DNews

"Những chiến binh không biết sợ" trong xung đột Nga - Ukraine

Đại tá Nguyễn Thụy Anh

(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) được phát triển từ sau Thế chiến 2 và đã sử dụng rộng rãi từ chiến tranh Việt Nam tới nay. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, UAV đang thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng.

"Những chiến binh không biết sợ" trong xung đột Nga - Ukraine

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, để thay cho các loại máy bay có người lái, UAV ngày càng đa dạng và tối tân hơn, trang bị nhiều vũ khí mạnh, thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn hơn trên chiến trường.

Chúng được mệnh danh là "những chiến binh không biết sợ" mà các tướng lĩnh phương Tây đều hy vọng nhờ đó có thể giành được chiến thắng với tổn thất nhân lực thấp nhất trong các cuộc chiến.

UAV trên chiến trường Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng nóng bỏng trên các mặt trận, trong đó có sự tham chiến tích cực của nhiều loại UAV với số lượng lớn, lên tới hàng ngàn chiếc.

Đôi bên liên tục đưa ra những tin tức về việc đã vô hiệu hóa và bắn hạ mỗi ngày hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc của đối thủ. Vậy UAV ngày nay có gì khác xưa hay không và làm gì để đối phó với chúng?

Sau chiến tranh Việt Nam, giới tinh hoa quân sự phương Tây càng thúc đẩy mạnh việc phát triển UAV, đặc biệt là những loại có khả năng mang vũ khí. Bước sang thế kỷ 21, một số loại máy bay không người lái tấn công (UCAV) đã lần lượt xuất hiện như RQ-1A, MQ-9B, RQ-2B, RQ-7A của Mỹ, Heron và Sky Striker của Israel, Bayraktar TB1 của Thổ Nhĩ Kỳ…

Loại UCAV đầu tiên tham chiến có hiệu quả từ năm 2002-2003 là MQ-1B của Mỹ ở chiến trường Afghanistan và Iraq, mở ra khả năng không cần sử dụng máy bay có người lái đắt tiền trong một số nhiệm vụ tấn công mặt đất, vừa giảm chi phí vừa tránh tổn thất phi công.

UAV đã khác nhiều so với thời kỳ đầu được sử dụng ở chiến trường Việt Nam, hiện nay xuất hiện các loại có kích thước nhỏ và rất nhỏ (còn gọi là drone), sử dụng đơn giản, giá thành rẻ… nên có thể sản xuất dễ và nhanh, nhiều hơn.

Do kích thước và động cơ rất bé so với máy bay có người lái nên UAV không chỉ có diện tích phản xạ radar cực nhỏ (dưới 0,1 m2) mà bức xạ hồng ngoại cũng cực thấp nên radar và những thiết bị trinh sát khác rất khó phát hiện từ xa để chỉ thị mục tiêu kịp thời cho các đơn vị hỏa lực chuyển cấp tiêu diệt, đồng thời các trắc thủ tên lửa và xạ thủ pháo - súng máy phòng không đều khó bám sát và ngắm bắn chính xác.

Ngoài các loại trinh sát, còn có loại UAV cảm tử chỉ mang đầu đạn với vài kg thuốc nổ hoặc bom, lựu đạn nhỏ, tuy sức sát thương không quá lớn nhưng chúng vẫn gây thiệt hại nhất định cũng như liên tục gây căng thẳng và quá tải cho lực lượng phòng không đối phương. Cả Nga và Ukraine đều tích cực áp dụng chiến thuật sử dụng UAV này với đối thủ của mình.

Những chiến binh không biết sợ trong xung đột Nga - Ukraine - 1

Một chiếc UAV tự sát Lancet của Nga (Ảnh: Tass).

Tuy nhiên, UAV Ukraine vẫn chịu nhiều tổn thất bởi các loại vũ khí phòng không như pháo - tên lửa tầm thấp và tầm trung của Nga. Bên cạnh đó, Moscow còn triển khai hàng loạt khí tài tác chiến điện tử và súng điện từ chống UAV của Nga, trong đó có nhiều loại mới, chỉ xuất hiện từ sau chiến sự tháng 2/2022, đang tỏ ra rất hiệu quả.

Phía Ukraine. ngoài số ít UAV đã có trong trang bị trước khi nổ ra xung đột, liên tục được Mỹ và NATO viện trợ rất nhiều loại mới. Họ cũng áp dụng chiến thuật UAV như của Nga trên chiến trường và còn tổ chức tập kích sang cả lãnh thổ Nga như vụ tập kích Điện Kremlin và một số khu vực giáp biên giới, nhưng hiệu quả không lớn, chủ yếu để gây thanh thế và làm dân chúng hoang mang.

Còn phía Nga cũng tăng cường sử dụng UAV trong chiến đấu, lúc đầu chủ yếu là các loại tự chế tạo trong nước nhưng sau đó dường như không đủ nên họ đã tìm những nguồn cung khác, mà theo phương Tây, là từ Iran với số lượng hàng ngàn chiếc như loại Shahed-136 hay Geran-2 có hình dáng và tính năng tương tự.

Tuy vậy, chiến thuật sử dụng UAV của Nga mới là điều khó cho Ukraine: các UAV cỡ nhỏ được phóng ra với số lượng lớn, từ nhiều hướng và độ cao khác nhau, tuy tốc độ không lớn (150-200km/h) nhưng thường bay ở độ cao rất thấp nên rất khó phát hiện và đánh chặn.

Đặc biệt là vào ban đêm thì lại càng khó khăn khi các thiết bị quan sát quang học của pháo phòng không và súng máy phòng không ít có tác dụng, còn những loại tên lửa tầm trung trở lên hầu như bất lực trước diện tích phản xạ radar rất nhỏ và độ cao cực thấp của các UAV.

Chính vì vậy mà tên lửa phòng không Patriot hiện đại của Mỹ đã không thể phát huy tác dụng để chống UAV trên chiến trường Ukraine. Chưa kể, việc dùng tên lửa phòng không tầng cao và tầm xa đánh loại mục tiêu này là không cần thiết, vô cùng lãng phí vì còn nhiều loại mục tiêu khác nguy hiểm hơn, đắt tiền hơn cần phải tiêu diệt như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo,...

Những chiến binh không biết sợ trong xung đột Nga - Ukraine - 2

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Engels của Nga sau khi bị Ukraine tập kích bằng UAV năm 2022. Ảnh: PLANET LABS INC).

Việt Nam đã đối phó với UAV Mỹ ra sao?

Từ nửa thế kỷ trước, trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam 1965-1973, Không quân Mỹ đã từng sử dụng hàng trăm UAV trong chiến đấu, chủ yếu dùng để tiến hành trinh sát hồng ngoại, chụp ảnh, gây nhiễu tích cực hoặc thả nhiễu tiêu cực, để tránh tổn thất về người lái.

Ở tầng cao, Mỹ có loại BQM-34A dễ bị tên lửa phòng không bắn rơi. Điển hình như trận ngày 25/7/1965, tiểu đoàn tên lửa 64 đã bắn rơi chiếc UAV đầu tiên loại này ở độ cao 18.000m tại Hà Tây, nay là ngoại thành Hà Nội.

Sau đó, Mỹ thường dùng loại UAV tầng thấp như AQM-34 và các loại cải tiến như 147-J/S/SRE… bay cực thấp từ 200m đến dưới 1.000m, với tốc độ khoảng 800-900km/h (220-250m/s), gây khó khăn cho tên lửa phòng không, nhưng lại trở thành "mồi ngon" của lưới lửa phòng không nhân dân ở khắp mọi nơi, từ pháo phòng không các cỡ đến súng trường, súng máy của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam.

So với các loại máy bay chiến đấu như F-4 "Con ma" có người lái với thân dài 19,2m và sải cánh 11,7m, nặng toàn bộ tới 26 tấn thì các UAV có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn nhiều, chẳng hạn như BQM-34 chỉ dài 6,9m với sải cánh 3,9m và nặng 1,5 tấn.

Tuy nhiên, nếu so sánh với thời xưa thì ngày nay các UAV đều có kích thước nhỏ hơn nhiều, thậm chí là siêu nhỏ, vì có loại chỉ nặng 10-15 kg hoặc nhẹ hơn nữa, dùng nhiều cánh quạt nhỏ, kích thước chỉ trên dưới 1m.

Do đó, việc phát hiện UAV trong Kháng chiến chống Mỹ tuy khó hơn những loại máy bay khác nhưng vẫn có thể thực hiện được bằng radar và các phương tiện trinh sát quang học cũng như mắt thường vào ban ngày. Còn bắn hạ UAV thì mọi lực lượng phòng không Việt Nam đều làm được, từ tên lửa, máy bay tiêm kích, pháo - súng máy phòng không và cả súng bộ binh cỡ nhỏ của dân quân tự vệ.

Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng Không quân Mỹ đã bị tổn thất nặng nề trước lưới lửa phòng không Việt Nam, đặc biệt là về nhân lực cao cấp, hàng ngàn phi công thiệt mạng và hàng trăm phi công bị bắt.

Những chiến binh không biết sợ trong xung đột Nga - Ukraine - 3

Tên lửa phòng không Việt Nam khai hỏa diệt mục tiêu (Ảnh: Báo QĐND).

Từ năm 1965, Mỹ đã sử dụng ồ ạt UAV ở miền Bắc Việt Nam bay ở nhiều độ cao từ cực thấp 200-300m đến rất cao 20km, cả ban ngày và ban đêm, bay đơn lẻ bất ngờ hoặc đồng thời 3-5 chiếc từ nhiều hướng khác nhau.

Chúng phối hợp với các loại máy bay chiến đấu và trinh sát có người lái cùng nhằm vào mục tiêu ở nhiều khu vực, tạo nên những tình huống trên không rất phức tạp, gây rối loạn và phân tán hỏa lực phòng không nhằm tránh tổn thất về người lái.

Tuy vậy, quân dân ta càng đánh càng nhiều kinh nghiệm đối phó với UAV hơn, nên có lúc lực lượng phòng không 3 thứ quân của Việt Nam đã bắn rơi tới 6 chiếc UAV cỡ lớn trong một tuần.

Chiến thuật "bầy đàn UAV" cũng đã được Không quân Mỹ sử dụng từ thời kỳ đó, ví dụ ngày 4/3/1966, họ cho đồng thời 3 UAV từ ba hướng bay vào khu vực Hà Nội nhưng đã bị phòng không ta xuất sắc bắn rơi cả 3 chiếc. Tháng 10/1966, Mỹ lại cho 5 chiếc BQM-34 cùng bay vào miền Bắc từ nhiều hướng và độ cao khác nhau song vẫn bị các chiến sỹ phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ 3 chiếc.

Các tài liệu giải mật của Lầu Năm Góc cho biết Không quân Mỹ đã mất 578 UAV ở miền Bắc Việt Nam và nếu đó là máy bay có người lái thì đã có thêm ít nhất 578 phi công Mỹ nữa phải gặp nạn trước hỏa lực phòng không ta.

Những chiến binh không biết sợ trong xung đột Nga - Ukraine - 4
Miền Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất
Cựu Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ George J. Eade

Xét theo khía cạnh này, Mỹ không đến nỗi quá thiệt mà thậm chí còn có lãi to, vì rơi 1 chiếc UAV sẽ tổn thất ít hơn nhiều, do giá thành chế tạo rất rẻ so với máy bay có người lái và nhất là không bị mất phi công, vốn được coi là vô giá đối với bất kỳ lực lượng không quân nào trên thế giới!

Theo Alas Blue, chi phí đào tạo phi công máy bay chiến đấu cơ bản của Mỹ rơi vào khoảng từ 5,6 đến 10,9 triệu USD. Vì thế, người ta đã "hoạch toán vui" rằng giá đào tạo phi công tính bằng cân nặng số vàng tương đương với trọng lượng cơ thể chính người phi công. Trên thực tế, mỗi người phi công thậm chí còn quý giá hơn số vàng đó nhiều lần.

Cựu Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ George J. Eade trong bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí không quân Mỹ đã nói rằng: "Miền Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất… Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn tỏ ra dễ bị tổn thương… Miền Bắc Việt Nam đã bắn hạ hàng chục máy bay B-52 bằng cách ngắm bắn bằng mắt thường".

Đại tá Nguyễn Thụy Anh

Nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine