1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu chuyện ít biết về kênh đào Suez

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Ước tính 120.000 người đã bỏ mạng trong quá trình xây dựng kênh đào Suez - tuyến giao thông huyết mạch của thế giới, và đây cũng là nơi từng xảy ra các cuộc xung đột đẫm máu.

Kênh đào Suez_Encyclopedia Britannica.jpeg

Kênh đào Suez của Ai Cập nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ (Ảnh: Encyclopedia Britannica).

152 năm trước, vào ngày 17/11/1869, kênh đào Suez đã bắt đầu mở cửa. Hiện thời, đây là con đường ngắn nhất cho tàu bè đi từ châu Âu đến Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và các khu vực khác trên hành tinh. Trước kia, hành trình đó chỉ có thể được thực hiện bằng cách đi vòng quanh châu Phi.

Những người có dịp đến thăm đều hết sức ngạc nhiên về sự độc đáo nổi bật của cảnh quan nơi đây. Mặt nước trong kênh đào mấp mé bờ và dường như đang chực tràn vào các bãi cát ở ven bờ. Những con tàu lớn di chuyển dọc theo con kênh mang lại cảm giác như chúng không phải bơi trên mặt nước, mà như là đi trên sa mạc.

Tuy nhiên, đó chỉ là những nét thi vị của con kênh. Trên thực tế, Suez luôn là nơi xung đột của nhiều lợi ích với những sự kiện nóng bỏng thường xuyên xảy ra.

Nhen nhóm từ thời cổ đại

Từ thời cổ đại, đã có những nỗ lực được thực hiện nhằm xây dựng con đường ngắn nhất nối hai vùng biển - Hồng Hải và Địa Trung Hải. Các Pharaoh (vua) Ai Cập đã bắt tay vào công việc này: đầu tiên là Senusert III, sau đó là Necho II. "Con kênh của các Pharaoh" đã được đào vào thế kỷ III trước Công nguyên dưới sự trị vì của triều đại Ptolemaic, và dường như Cleopatra đã ngao du dọc theo con kênh đó.

Những câu chuyện ít biết về kênh đào Suez - 2

Mô phỏng kênh Suez năm 1865 (Ảnh: History.com).

Thời gian trôi qua, con kênh đã bị bỏ quên, rồi được khôi phục lại, và một lần nữa lại bị bỏ quên. Sau khi Ai Cập chinh phục Ả Rập vào năm 642 sau Công nguyên, các con tàu lại qua lại trên kênh đào, song hơn một thế kỷ sau, vào năm 776, theo lệnh của Caliph Mansour trị vì Vương quốc Hồi giáo Abbas, con kênh đã bị lấp đi. Caliph Mansour sợ rằng con kênh đào sẽ làm ảnh hưởng tới các tuyến thương mại từ trung tâm đất nước. Và rồi, con kênh đã bị quên lãng tới gần một nghìn năm.

Sau khi chinh phục Ai Cập, Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đã nhớ đến con kênh. Napoleon là một người hết sức thực tế và nắm bắt nhanh những ý tưởng đầy hứa hẹn. Ông đã cử một nhóm chuyên gia do kỹ sư Jacques Leper dẫn đầu đến thăm dò trắc địa. Tuy nhiên, chuyên gia đã kết luận rằng việc xây dựng kênh đào là không thể, bởi vì mực nước Biển Đỏ cao hơn Địa Trung Hải. Điều này, theo các nhà thăm dò trắc địa, có thể dẫn đến lũ lụt, tàn phá đồng bằng sông Nile.

Sau khi nghe các nhà khảo sát báo cáo lại, Hoàng đế Napoleon đã thất vọng và từ bỏ ý tưởng của mình. Thực ra, những kết luận của các nhà khảo sát là không có căn cứ: việc xây dựng kênh đào không đe dọa tới môi trường. Và luận chứng này đã trở nên rõ ràng chỉ sau vài thập niên.

Có tới 120.000 người chết khi xây dựng con kênh

Dự án toàn cầu này vẫn được hiện thực hóa nhờ công của Napoleon. Nhưng lần này là một vị hoàng đế khác - cháu trai của kẻ chinh phục nổi tiếng. Năm 1854, Hoàng đế Napoleon III vận động cho dự án Kênh đào Suez, thỏa thuận với thống đốc Ai Cập thành lập một công ty cũng mang tên là Kênh đào Suez.

Nhà ngoại giao Pháp - Tử tước Viscount Ferdinand Marie de Lesseps đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán này. Ông có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Ai Cập Said Pasha, nên đã nhận được chữ ký cho các giấy tờ cần thiết. Hợp đồng nhượng quyền được cấp trong 99 năm kể từ khi kết thúc xây dựng. Ai Cập được hưởng 15% doanh thu, công ty được 75%, còn những người sáng lập được hưởng 10 % còn lại.

Nhưng, trước khi điều này xảy ra, Tử tước phải xin phép Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì vào thời điểm đó Ai Cập là một phần của Đế chế Ottoman. Việc này chỉ có thể làm được nếu London cho phép, vì Ai Cập không chỉ là đồng minh của Vương quốc Anh, mà còn lệ thuộc vào Anh.

Người Anh, mà đại diện là Thủ tướng Lord Henry Palmerston, hoàn toàn không hứng thú với ý tưởng xây dựng kênh đào. Ông và các chính trị gia khác coi đây là sự xâm lấn vào sức mạnh hải quân của Đế quốc Anh. Palmerston nói rằng kế hoạch đào kênh không gì khác hơn là một "nỗ lực lộ liễu của người Pháp hòng chiếm Địa Trung Hải". 

Nhưng Lesseps đã xé rào thành công. Tất nhiên, để đạt được điều này ông phải mất thời gian vài năm dành cho những chuyến đi bất tận đến Istanbul, London, Paris, Cairo. Tử tước không ngừng thuyết phục, thỏa thuận, thương lượng.

Những câu chuyện ít biết về kênh đào Suez - 3

Việc đào kênh Suez thời kỳ đầu hoàn toàn là thủ công (Ảnh: MSN).

Cuối cùng, việc nhượng quyền xây dựng cũng đạt kết quả theo mong muốn. Công ty Kênh đào Suez nhanh chóng tìm được nguồn vốn. Tác giả của dự án là Alois Negrelli - kỹ sư xây dựng người Áo. Ông làm việc trong cùng một công ty với nhà xây dựng đường sắt Robert Stephenson, kỹ sư người Pháp Polen Talabo.

Negrelli được bổ nhiệm làm quản lý công trình xây dựng. Tuy nhiên, ngay trước khi công việc bắt đầu, ông đột ngột qua đời. Lesseps trở thành người thay ông theo dõi việc thiết kế. Việc khởi công đào kênh diễn ra vào ngày 25/4/1859.

Nông dân từ các ngôi làng xung quanh đã được đưa đến công trường xây dựng con kênh đào dài 160 km. Họ đã phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt khủng khiếp: trong cái nóng như thiêu đốt, kiệt sức vì khát, không có dụng cụ phù hợp và phải làm việc trong nhiều giờ liền. Do đó, nhiều người đã phải bỏ mạng nơi đây. Trong quá trình xây dựng kênh đào Suez, đã có tới 120.000 người chết.

Lúc đầu, công nhân chỉ sử dụng cuốc và xẻng nên mọi thứ diễn ra rất chậm. Khối lượng công việc lại lớn bất thường - riêng lượng cát cần giải phóng tương đương 75 triệu m3. Ngoài ra, năm 1863, nhà cai trị Ai Cập Ismail Pasha còn cấm sử dụng lao động cưỡng bức.

Lesseps và những người cùng hợp tác với ông đã phải dốc hết kinh phí vào đó. Dần dà, trong xây dựng, người ta bắt đầu sử dụng động cơ hơi nước và máy nạo vét. Các máy xúc khổng lồ, băng tải, máy xúc, tàu thủy chở hàng có thiết bị nâng đã được huy động, do đó, năng suất lao động được tăng mạnh.

Khai trương kênh đào

Đến đầu năm 1869, việc xây dựng đã gần hoàn thành. Các thành viên trong công ty nghĩ đến việc hoàn thành công trình sao cho thật ngoạn mục. Vì vậy, nhà điêu khắc người Pháp Frederic Auguste Bartholdy đã đề xuất đặt tác phẩm điêu khắc "Ai Cập, người mang theo ánh sáng châu Á" trên bờ biển Địa Trung Hải ở ngay lối dẫn vào kênh. Bức tượng là hình một người phụ nữ trong trang phục truyền thống của nông dân Ai Cập, cầm ngọn đuốc trên tay, và ngọn đuốc đó có thể sử dụng như một ngọn hải đăng.

Tại Ai Cập, Bartoldi đã thất bại trong việc thực hiện dự án của mình. Song ý tưởng của ông đã được thể hiện vào năm 1886. Nhà điêu khắc đã dựng một bức tượng khổng lồ tương tự tại bến cảng của New York. Đó chính là Tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng thế giới.

Tới dự Lễ khánh thành kênh đào Suez (việc xây dựng kéo dài hơn 10 năm) vào ngày 17/11/1869, có những vị quan khách cao cấp, trong đó có Hoàng hậu Eugenia, Hoàng tử Murat- đại diện cho Pháp, Phó vương Ai Cập Ismail, Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph.

Trong tiếng nhạc ồn ào, không trung rung chuyển bởi những chùm pháo hoa rực rỡ sắc màu. Rượu sâm banh chảy như suối. Hàng trăm lá cờ hiệu tung bay khắp nơi. Tại cảng Port Said, có nhiều tàu thuyền từ các quốc gia khác nhau xếp hàng chờ vào kênh.

Mọi người đều trong một tâm trạng tuyệt vời, đặc biệt là Lesseps - nhân vật chính của sự kiện. Tuy nhiên, không khí vui vẻ đã bị phá vỡ một cách vô vọng. Tử tước Lesseps nhận được tin chiếc tàu hơi nước Pelusius bị mắc cạn và cản đường các tàu còn lại. Thì ra, việc đào kênh vội vàng dẫn đến độ sâu không đảm bảo. Và do đó, chỉ những con tàu có trọng tải không lớn quá mới có thể đi qua kênh được...

Việc khai trương con kênh đào tựa như một cuộc cách mạng trong ngành vận tải quốc tế. Giờ đây, tuyến đường từ Trieste (Italia) đến Bombay (Ấn Độ) đã rút ngắn được 37 ngày, từ Genova (Italia) giảm xuống 32 ngày, từ Marseille (Pháp) giảm 31 ngày, từ Bordeaux (Pháp), London (Anh) hay Hamburg (Đức) giảm 24 ngày. So với tuyến đường vòng quanh châu Phi, kênh Suez đã giúp tiết kiệm nhiên liệu từ 25 -50% thời gian.

Chiến tranh liên miên

Vào đầu những 1940, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, gần kênh đào Suez đã diễn ra những hoạt động quân sự với quy mô lớn giữa đạo quân của Tướng Đức Erwin Rommel, cùng với đồng minh Italia, và một bên là các đơn vị của Anh, Ấn Độ, Australia và Canada.

Người Đức hết sức thèm khát nguồn dầu mỏ nơi đây và nếu họ chiếm được nguồn lợi đó thì các đồng minh phương Tây sẽ bị đặt vào tình thế cực kỳ khó khăn. Có một thời gian, dường như trùm phát xít Đức Hitler đã tiến gần đến thành công mang tính chiến lược đó. Tuy nhiên, trong những trận chiến đẫm máu, binh lính Đức đã bị đánh bại. Sau đó, kế hoạch toàn cầu của Hitler cuối cùng đã bị phá sản.

15 năm trôi qua, quanh khu vực kênh đào Suez một lần nữa lại vang lên tiếng gầm của đại bác. Vào mùa thu năm 1956, sau khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào, một cuộc chiến đã nổ ra giữa Ai Cập với Anh, Pháp và Israel.

Quân đội Israel đã chiếm bán đảo Sinai và hầu như không gặp phải sự kháng cự nào vì lực lượng chính của người Ai Cập đã tập trung quanh kênh đào Suez. Không quân của Anh-Pháp tấn công các sân bay của Ai Cập, và vào tháng 11, lính nhảy dù Anh và Pháp đã được thả xuống khu vực cảng Said và Port Faud.

Bị thất bại hoàn toàn, Ai Cập đã được Liên Xô can thiệp, cứu trợ. Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất đối với Anh, Pháp, thậm chí là sẽ dùng đến các cuộc tấn công hạt nhân...

Tất nhiên, đó chỉ là lời cảnh báo. Và các đối thủ của Ai Cập đã rút lui. Suez bị đóng cửa một thời gian và được mở lại vào ngày 24/4/1957.

Có hai lần nữa - trong các cuộc đụng độ giữa Ả Rập và Israel năm 1967 và 1973, Moscow cũng hỗ trợ cho Cairo. Trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, quân đội Israel đã đánh bại quân đội Ai Cập trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng, chiếm bán đảo Sinai và tiến đến kênh đào.

Nếu không có sự hỗ trợ từ Nga, binh lính Israel đã có thể vượt qua kênh đào Suez và tiến hành một cuộc tấn công vào Cairo.

Vào tháng 6/1967, do còn sót lại nhiều mìn và các con tàu bị chìm dưới đáy nên kênh đào Suez đã bị chính phủ Ai Cập đóng cửa. Đúng vào thời điểm đó, hàng chục tàu bè của các quốc gia khác nhau đã phải neo đậu giữa dòng kênh, gần khu vực Hồ Big Gorky. Các con tàu đã phải nằm lại đó trong nhiều năm và được đặt cho biệt danh là "Hạm đội vàng", vì gió từ sa mạc đã phủ đầy cát vàng lên các con tàu. Cuối cùng, mãi tới năm 1975, những con tàu này mới được phép rời khỏi kênh đào.

Nỗ lực hiện đại hóa

Những câu chuyện ít biết về kênh đào Suez - 4

Kênh đào Suez, trước và sau khi mở rộng (Ảnh: NASA).

Số lượng tàu thuyền đi qua kênh Suez không ngừng tăng lên. Hiện nay, mỗi ngày có đến vài chục con tàu qua lại trên kênh. Tất nhiên, người ta phải trả rất nhiều tiền cho việc này. Doanh thu từ hoạt động của kênh là một trong những khoản thu chính của ngân sách quốc gia Ai Cập.

Trong những năm 1970-1980, kênh đào Suez đã được hiện đại hóa: chiều rộng của nó được tăng lên và lòng kênh cũng được khơi sâu hơn. Gần bốn mươi năm trước, người ta đã xây một hầm đường bộ đi qua, dưới kênh đào Suez. Đường hầm đó được mang tên của Tướng Ahmed Hamdy, người đã tử nạn trong cuộc chiến năm 1973.

Vào tháng 8/2015, kênh đào Suez Mới đã được khai trương. Đó là một cấu trúc thủy lực với chiều dài hơn 70 km, được đặt song song với con kênh cũ. Trong buổi lễ khai trương con kênh mới, Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi đã đích thân đưa chiếc du thuyền Al-Mahrusa đi trên dòng kênh mới. Đây chính là chiếc du thuyền đã đi qua kênh đào Suez cũ khi khai trương vào năm 1869.

Kênh đào Suez mới, không giống như con kênh cũ vì nó được xây dựng chỉ trong một năm. Mặc dù thời gian dành cho việc xây dựng con kênh mới được ước tính là ba năm. Tuy nhiên, các nhà xây dựng Ai Cập đã cho thấy tốc độ xây dựng của họ rất nhanh chóng.

Những câu chuyện ít biết về kênh đào Suez - 5

Đầu năm nay, kênh đào Suez đã trở thành tâm điểm của thế giới sau vụ tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt làm tê liệt tuyến giao thông quan trọng trong nhiều ngày (Ảnh: Reuters).