1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Cuba tiến tới bình thường hóa quan hệ:

Những bước đi dài

Ngày 21-5, Mỹ và Cuba đã tiến hành vòng đàm phán thứ 4 về bình thường hóa quan hệ ngoại giao-được giới phân tích nhận định có khả năng sẽ là vòng đàm phán cuối cùng trước khi hai nước mở lại các sứ quán ở thủ đô của nhau sau hơn nửa thế kỷ đối địch...

Cùng “dọn đường”

Nhận định lạc quan này dựa trên thực tế quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đang được thúc đẩy nhanh chóng và diễn ra thuận lợi với hàng loạt diễn biến tích cực. Trong chưa đầy 5 tháng kể từ vòng đàm phán đầu tiên, giờ đây hai nước đang tiến rất gần việc nối lại quan hệ ngoại giao.
 
Ngay trước vòng đàm phán thứ 4, hai bên tiếp tục đạt được bước tiến quan trọng khi nhất trí nối lại dịch vụ ngân hàng. Theo đó, một ngân hàng tại tiểu bang Florida là Stonegate đã mở một tài khoản ngân hàng cho Chính phủ Cuba tại Mỹ và trở thành ngân hàng đầu tiên ở Mỹ mở tài khoản của Chính phủ Cuba. Từ nay, các nhà ngoại giao Cuba có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách bình thường.
 
Khách du lịch nước ngoài tới Cuba ngày càng đông trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Cuba “ấm dần”. (Ảnh:
Khách du lịch nước ngoài tới Cuba ngày càng đông trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Cuba “ấm dần”. (Ảnh: AP)
 
Vậy là một trong những trở ngại lớn trên con đường khôi phục quan hệ giữa hai nước láng giềng đã được dỡ bỏ vì đây luôn là một yêu cầu bắt buộc của phía Cuba trong quá trình thương lượng bình thường hóa quan hệ.
 
Trước đó, Wasington đã đồng ý đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "danh sách những nước bị Mỹ cáo buộc tài trợ khủng bố". Chính quyền Wasington đã đề nghị Quốc hội Mỹ gạch tên Cuba ra khỏi danh sách gây tranh cãi này.
 
Trước đó, một loạt các biện pháp tích cực cũng được thực thi nhằm loại bỏ các rào cản về tài chính và kỹ thuật đối với việc mở lại sứ quán, bao gồm nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại đối với Cuba. Mỹ đã nối lại dịch vụ tàu thủy thương mại giữa Florida và Cuba, đồng thời cũng lên kế hoạch mở đường bay từ New York đi La Habana.

Cũng ngay trước thềm vòng đàm phán, phía Mỹ đã có hành động bày tỏ thiện chí khi tuyên bố Wasington sẽ xem xét thay đổi cái gọi là “các chương trình ủng hộ dân chủ” tại Cuba. Quốc đảo Caribé lên án kịch liệt những chương trình của Mỹ mà nước này cáo buộc là “huấn luyện trái phép các nhân vật chống đối chế độ”. Trong chương trình này, Mỹ tổ chức các khóa đào tạo báo chí cơ bản và công nghệ thông tin tại một phái bộ đại diện cho lợi ích nước này ở thủ đô của Cuba. Theo giới chức Mỹ, Wasington sẽ điều chỉnh chương trình này trong thời gian tới để phản ánh thực tế tại Mỹ và Cuba.

Như vậy, rõ ràng hai bên đã cùng nhau đi được những bước dài trong nỗ lực thu hẹp bất đồng liên quan tới việc mở lại sứ quán và khôi phục quan hệ ngoại giao. Các động thái tích cực trên nhằm “dọn đường” cho vòng đàm phán thứ 4 vốn sẽ tập trung bàn thảo các biện pháp thiết thực và những thủ tục cần thiết để mở lại sứ quán ở thủ đô mỗi nước.

Cho đến thời điểm vòng đàm phán thứ 4 diễn ra, vấn đề còn lại được cho là cản trở lớn nhất đối với việc mở lại sứ quán ở hai nước là yêu cầu của Mỹ về số lượng nhà ngoại giao và nhân viên đăng ký tại La Habana cao hơn khá nhiều so với con số Cuba có thể cho phép. Tuy nhiên, đây chỉ là một trở ngại nhỏ mang tính kỹ thuật, được cho là hai bên sẽ không khó khăn để vượt qua.

Tin tưởng vào tương lai

Giờ đây mọi điều kiện đã sẵn sàng để quan hệ Cuba và Mỹ bước sang một trang mới, hợp tác và phát triển. Trong một động thái được cho là “đón đầu” những tiến triển trong quan hệ Mỹ và Cuba, Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 11-5 đã thăm chính thức Cuba và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp và phương Tây tới đây kể từ khi Cuba giành độc lập.
 
Động thái ngoại giao đáng chú ý này của nhà lãnh đạo Pháp cho thấy chính quyền Pháp không muốn chậm trễ trong việc giành lấy vai trò và ảnh hưởng chính trị tại quốc đảo đầy tiềm năng này. Lý do không kém phần quan trọng nữa là Paris không muốn các doanh nghiệp Pháp bị mất thị phần tại thị trường Cuba trước viễn cảnh các tập đoàn lớn từ Bắc Mỹ sẽ tràn vào khi quốc gia này thoát khỏi các lệnh cấm vận của Wasington.
 
Đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang tiến triển rất nhanh. (Nguồn:
Đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang tiến triển rất nhanh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương còn không ít trở ngại phía trước. Trong đó phải kể tới sự chống đối của các nghị sĩ có tư tưởng bảo thủ ở Mỹ.
 
Một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 4, tại cuộc điều trần về chính sách tiếp cận mới của chính quyền Mỹ trong quan hệ với Cuba trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, một số thượng nghị sĩ chỉ trích chính quyền Tổng thống B. Obama đã “quá vội vàng” cải thiện quan hệ với Cuba.
 
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tỏ ý nghi ngờ rằng người dân Cuba sẽ không được hưởng lợi từ các cơ hội kinh tế sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trong khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đã phản đối quyết định đưa Cuba ra khỏi cái gọi là “danh sách các nước bảo trợ khủng bố”.

Ngoài ra, những điều kiện để tiến tới bình thường hóa quan hệ mà Cuba đặt ra cũng sẽ không dễ mà chấp nhận ngay với Wasington. La Habana vẫn giữ lập trường yêu cầu Wasington phải xóa bỏ cấm vận và trong các vấn đề như chủ quyền liên quan tới căn cứ quân sự Guantanamo; những tiêu chuẩn về dân chủ-nhân quyền mà Wa-sington đặt ra..., Cuba cũng bảo vệ quan điểm của mình.

Nhưng điều đáng mừng là sau những bước đi dài mà Mỹ và Cuba đã cùng nhau nỗ lực vượt qua với thiện chí mà hai bên đã chứng tỏ, có thể tin tưởng rằng, hai nước sẽ thúc đẩy các bước tiếp theo để dần khép lại quá khứ và hướng tới một tương lai tốt đẹp vì chính lợi ích không chỉ của Cuba mà của cả nước Mỹ.

Theo Xuân Phong
Quân đội Nhân dân