Những bổ nhiệm đầu tiên của Trump đã khiến phương Tây sốc
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump mới bổ nhiệm được vài vị trí đầu tiên của nội các nhưng đã khiến truyền thông phương Tây dậy sóng.
Những vị trí chủ chốt đầu tiên trong nội các của Trump
Ngày 18/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp, nghị sỹ Mike Pompeo làm Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), còn tướng về hưu Mike Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia.
Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn
Năm 2012, ông Flynn được bổ nhiệm làm người lãnh đạo Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ (thường được gọi là Cơ quan Tình báo Quốc phòng - DIA). Nhiệm kỳ của ông đã bị rút ngắn vào năm 2014 do bất đồng với các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Viên tướng này đã từng gọi Tổng thống Barack Obama là “kẻ dối trá”, cả hệ thống tư pháp Mỹ là “suy đồi”. Ông cho biết, việc ông bị loại khỏi ghế giám đốc DIA là vì quan điểm của ông về Hồi giáo và những khác biệt trong quan điểm về giải quyết các sự vụ quốc tế.
Vị tướng cứng rắn và có quan điểm khác biệt với hầu hết giới tướng lĩnh, chính khách Mỹ sẽ là ngườli cố vấn cho ông Trump vượt qua các thách thức lớn lao phía trước, bao gồm chiến dịch chống phiến quân IS dang dở, quan điểm cứng rắn của Trung Quốc và sức mạnh đáng sợ của Nga.
Thượng nghị sĩ Sessions - Bộ trưởng Tư pháp
Theo Reuters, một chức vụ khác rất quan trọng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Mỹ sẽ do Thượng nghị sĩ từ bang Alabama, ông Jeff Sessions đảm nhận. Ông là thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ từ năm 1996.
Vào năm 1986, ông Session đã từng được cựu Tổng thống Ronald Reagan đề cử vào chức Thẩm phán liên bang. Nhưng Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn vì những cáo buộc ông Session có những bình luận phân biệt chủng tộc với các đồng nghiệp trong văn phòng ở Alabama.
Ông Sessions, 70 tuổi, được cho là người có quan điểm chống lại di dân bất hợp pháp và áp dụng các biện pháp mạnh để chống tội phạm. Nhân vật này được giới quan chức và chính khách Mỹ coi là một trong những thượng nghị sĩ bảo thủ nhất Hoa Kỳ.
Ông Sessions chính là thượng nghị sĩ đầu tiên công nhận ông Trump làm ứng viên Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, bất chấp kinh nghiệm chính trị hạn chế của tỷ phú bất động sản.
Giám đốc CIA Mike Pompeo
Reuters còn cho biết, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong chính quyền ông Donald Trump sẽ là Mike Pompeo. Thượng nghị sĩ 52 tuổi này có bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Harvard, đã làm việc với vai trò một luật sư trong công ty Williams & Connolly.
Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ ba của bang Kansas là lựa chọn bất ngờ cho vị trí lãnh đạo CIA, mặc dù ông từng làm việc tại các Ủy ban Tình báo, Thương mại và Năng lượng thuộc Hạ viện, cũng như Ủy ban điều tra cuộc tấn công năm 2012 vào phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya.
Hồi tháng 7, ông Pompeo từng khen ngợi ông Trump là một người tài giỏi trong việc làm ăn và chăm lo gia đình, do đó có thể làm được nhiều điều cho nhân dân Mỹ. Ông tuyên bố sẽ hết sức ủng hộ “vị tổng tư lệnh gan dạ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết”.
Trong thời gian sắp tới, người ta đang chờ đợi ông Trump tuyên bố bổ nhiệm các vị trí quan trọng khác trong chính quyền mới, ví dụ như chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.
Các nguồn thạo tin trong giới chính trị ở Washington cho biết rằng, ngoài việc được lựa chọn làm Cố vấn An ninh quốc gia, viên tướng đầy kinh nghiệm Michael Flynn cũng đang được cân nhắc vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu không có người nào xứng đáng hơn.
Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney - người đã từng đại diện cho đảng Cộng hòa, tham gia tranh cử năm 2012, nhưng thất bại trước Barack Obama, đồng thời cũng là người “không ưa” ông Trump - sẽ được vị tỷ phú bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ.
Mặc dù nội các của tân Tổng thống Donald Trump chưa hoàn toàn được hình thành, nhưng ngay từ bây giờ, truyền thông phương Tây đã bắt đầu lo ngại vì những bổ nhiệm các vị trí chủ chốt đầu tiên trong chính quyền mới, đặc biệt là về viên tướng Michael Flynn.
Cũng như Trump, Flynn ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga. Nhân vật này được biết đến như một người ủng hộ nhiệt thành cho việc tăng cường quan hệ với Nga và thường tự hào vì đã có dịp tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hồi năm ngoái, ông đã có chuyến thăm Moscow nhân sự kiện kỉ niệm thành lập kênh truyền hình RT - bị phương Tây coi là “kênh truyền hình đối ngoại của Kremlin” và được xếp chỗ ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin.
Khí đó, ông đã có bài phát biểu với RT và tuyên bố rằng Nga-Mỹ nên cùng làm việc để giải quyết tình hình Syria và đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Trước đó, ông Flynn nhiều lần tuyên bố sự cần thiết phải có sự hợp tác về Syria giữa Washington và Moscow.
Nếu trở thành cố vấn an ninh quốc gia và người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chính quyền Trump, rất có thể, tướng Flynn sẽ là một trong những người có vai trò then chốt trong việc “hàn gắn” lại quan hệ với Moscow.
Trong lĩnh vực đối nội, tờ báo Mỹ The New York Times nhận định, bằng cách bổ nhiệm “những người bảo thủ trung thành”, ông Trump khẳng định rằng, ông dự định sẽ thực hiện quá trình khó khăn mà ông đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt là về chính sách nhập cư, giám sát người Hồi giáo và với công việc của các cơ quan thực thi pháp luật.
Tờ The Washington Post cũng có ý kiến tương tự. Trong một bài xã luận đăng trên trang web của tờ báo nhấn mạnh rằng, những người Mỹ đang hy vọng vào việc bảo vệ đồng minh trước đây của Hoa Kỳ và mong muốn tân Tổng thống không vi phạm các quyền dân sự vì lợi ích của các biện pháp chống khủng bố.
Theo quan điểm của tờ báo, nhiều khả năng, những bổ nhiệm này đoán định trước “cách Mỹ tiến hành các biện pháp thô bạo và không hiệu quả” chống lại thế giới Hồi giáo, “chuyển hướng một cách nguy hiểm” về phía Nga và áp dụng các phương pháp vi phạm luật pháp quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Theo Huy Bình
Đất Việt