“Nhổ” Hamas, dằn mặt Syria
Các diễn biến trong ngày thứ tư 28/6 và thứ năm 29/6 - Israel bắt giữ một số bộ trưởng trong chính quyền Palestine do Tổ chức Hamas lãnh đạo, đồng thời bắn phá một số cây cầu và một nhà máy điện - cho thấy vụ một binh sỹ Israel bị bắt cóc chỉ là cái cớ cho một tính toán lớn hơn: giải quyết toàn bộ “vấn đề Hamas”.
“Bốn chiếc máy bay của không quân Israel (IAF) đã bay qua nóc dinh thự của Tổng thống Syria vào lúc ông này có nhà, như là một phần của một tổng chiến dịch của quân đội Israel nhằm gây sức ép buộc lãnh đạo Syria phải trục xuất thủ lĩnh Khaled Mashaal của Tổ chức Hamas khỏi thủ đô Damascus. Mashaal đã đạo diễn vụ bắt cóc một hạ sĩ quan Israel tên Gilad Shalit. Bộ trưởng Tư pháp Israel tuyên bố Mashaal hiện đang là mục tiêu khử diệt do y là trùm khủng bố”.
Mẩu tin trên của Yaakov Katz, trên tờ Jerusalem Post, được AP đưa lại, có thể xem như là “thông cáo báo chí” của phía Israel về diễn biến mới nhất của tình hình Trung Đông.
Trong khi đó, đại sứ Syria tại Hoa Kỳ tuyên bố với thông tấn xã AP rằng “Syria chẳng dính dáng gì cả”. Thông tấn xã Sana của Syria chỉ vỏn vẹn loan “tin tình báo cho biết hai máy bay Israel bay thấp dọc bờ biển đã bị phòng không Syria đánh đuổi”. Rõ ràng là Israel đang rất “thịnh nộ” trong khi Syria lại “ẩn mình”.
Tại sao Israel lại giận dữ đến thế? Sáng sớm chủ nhật vừa qua, một toán biệt động Hamas đã chui đường hầm xuyên qua “bức tường ranh giới” trên dải Gaza, đột nhập vào một số địa điểm đóng quân của Israel, bắn cháy hai xe bọc thép, làm thiệt mạng hai binh sĩ Israel, gây thương tích cho bốn người khác và bắt đi hạ sĩ Gilad Shalit.
Có vẻ như vụ đột kích này đã “chạm danh dự” quân đội và tình báo quân sự Israel, khiến Israel phải báo thù, mà mục tiêu là thủ lĩnh Mashaal của Tổ chức Hamas.
Thế nhưng, các diễn biến tiếp theo trong ngày thứ tư 28/6 và thứ năm 29/6 - bắt giữ một số bộ trưởng trong chính quyền Palestine do Tổ chức Hamas lãnh đạo, đồng thời bắn phá một số cây cầu và một nhà máy điện - cho thấy “vụ mất mặt” hôm chủ nhật chỉ là cái cớ cho một tính toán lớn hơn: giải quyết toàn bộ “vấn đề Hamas”.
Thật vậy, từ khi tổ chức này thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine tháng một năm nay, cục diện tình hình Palestine - Israel đã hoàn toàn thay đổi. Tổ chức Fatah của Tổng thống Abbas thất thế (mất ghế trong quốc hội do tham nhũng) phải nhường chính quyền cho phong trào Hamas.
Tiến trình hòa bình khựng lại, viện trợ quốc tế cho Palestine bị cắt, phần do Hamas không chịu “đội trời chung” với Israel, phần do Hamas vẫn còn bị xem là một tổ chức khủng bố.
Ngay cả giữa Hamas và Fatah cũng còn đánh nhau, đến đầu tháng sáu mới tạm ngưng chiến để bàn về một sự chia sẻ quyền lực (Fatah muốn chính quyền Hamas giải tán, thành lập chính phủ liên hiệp)!
Song Israel không tin vào thỏa hiệp này do không chấp nhận Hamas, nên đã chọn giải pháp vô hiệu hóa Hamas. Muốn thế, phải châm ngòi nổ bằng vụ không kích hôm 9/6 trên một bãi biển ở Gaza, dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa của Hamas. Và giờ đây là “tổng tấn công” Hamas.
Trong bối cảnh đó, việc Israel “dằn mặt” Syria có lý do của nó: Israel muốn nhắn nhủ sẽ giải quyết luôn “cái gai” Syria vốn đang “chứa chấp” các thủ lĩnh Hamas, và phía sau Syria là Iran, vốn cũng hậu thuẫn cho Hamas và các phe phái đang kình chống tại Iraq (như có thể thấy qua bức ảnh chụp tổng thống Iran với thủ lĩnh Hamas).
Đến đây thì cục diện không chỉ còn là hòa bình Trung Đông mà còn là một giải pháp cho Iraq. Chính vì thế mà Syria đang “ẩn mình” tránh bão.
Theo Hữu Nghị
Tuổi trẻ