1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật

(Dân trí) - 3 tuần sau trận đại hồng thủy khủng khiếp “nuốt trọn” sân bay nhộn nhịp một thời ở Sendai, hất hàng trăm xe hơi, nhà cửa, và cả máy bay lên đường băng, các nhân viên hàng không Mỹ cho biết những chuyến bay thương mại sẽ sớm được nối lại.

Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 1
Sân bay Sendai vẫn ngổn ngang sau 3 tuần cơn đại hồng thủy ập đến.

Hàng trăm chiếc xe hơi, nhiều máy bay và thậm chí là các tòa nhà đã bị đánh bật lên đường băng ở sân bay quốc tế Sendai, thành phố Sendai, tỉnh Miyagi của Nhật Bản, khi cơn đại hồng thủy nhấn chìm bờ biển đông bắc đất nước vào ngày 11/3 vừa qua.

 

Nhà ga sân bay bị ngập, lửa bùng cháy ở khu đỗ xe và trong cả những nhà chứa máy bay.

 

Hành khách bị mắc kẹt trên những tầng cao của tòa nhà suốt 2 ngày và các nhân viên buộc phải chạy lên mái của một tòa nhà điều hành.

 

Hình ảnh máy quay an ninh thu giữ được đăng tải trên mạng chia sẻ YouTube cho thấy dòng nước cuồn cuộn cuốn theo các mảnh vỡ lừng lững tiến vào đường băng. Đoạn video đã được xem hơn 17 triệu lần và trở thành một trong những hình ảnh rõ nét nhất cho thấy thảm họa khủng khiếp mà đất nước mặt trời mọc phải hứng chịu.

 

Với đường bị cuốn trôi hoặc không thể đi được, sự méo mó của sân bay đã khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
 
 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 2
Vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần được dọn dẹp tại sân bay.
 

Thực phẩm, nhiên liệu không thể tiếp cận được khu vực có 28.000 người chết và mất tích, khiến các đội cứu hộ không thể làm việc được ở một số thành phố, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một trong số đó có các nhân viên hàng không của Mỹ tới hỗ trợ.

 

Đại tá Robert Toth, chỉ huy của Nhóm hoạt động đặc biệt 353, cho hay nhóm của ông gồm các chuyên gia xây dựng và sửa chữa sân bay trong các điều kiện khó khăn.

 

“Khi sóng thần tràn tới Sendai, nó quét qua sân bay với cột nước cùng các mảnh vỡ cao tới 3m”, ông cho hay.
 
 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 3
Sân bay Sendai ngày 13/3 trong chuyến khảo sát của Toth.
 

“Khi chúng tôi thực hiện khảo sát từ trên cao về sân bay, vào ngày 13/3, toàn bộ sân bay vẫn còn phủ trong nước sâu khoảng 2m. Lổn nhổn trong nước là hàng trăm chiếc xe hơi, cây cối, nhà cửa và máy bay, khiến đường băng không thể tiếp cận được”.

 

“Những gì chúng tôi thấy ở sân bay, tôi nghĩ bạn không thể tưởng tượng được. Sức tàn phá thực sự khủng khiếp.”

 

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh hoang tàn sau những cơn bão lớn, thậm chí là trong chiến trận, nhưng không có cái gì có thể so sánh được với những gì chúng tôi chứng kiến ở đây”.

 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 4
Sân bay Sendai còn lâu mới được trở lại như xưa.
 

Nhóm chuyên gia tài năng của Toth đã dùng xe Humvees, xe đi trên mọi địa hình, lái vào sân bay và bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát, với sự hỗ trợ của các công nhân Nhật.

 

Thiếu tá John Traxler, người dẫn đầu nhóm trên mặt đất, cho biết kinh nghiệm thiết lập sân bay trong các vùng chiến sự như Afghanistan của ông cũng không chuẩn bị được gì cho khối lượng công việc ông và đồng nghiệp đối mặt ở sân bay Sendai.
 
 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 5
Nhưng đây là dấu hiệu của sự phục hồi và hi vọng, khi đường băng được dọn dẹp xong, máy bay vận tải được đưa tới.
 

“Những gì chúng tôi có ở đây ban đầu là vô cùng rùng rợn, bởi một lượng khổng lồ đống đổ nát, thiết bị và xe cộ trên đường băng”, ông cho hay. “Chúng tôi đã mang càng nhiều xẻng xúc tuyết, chổi càng tốt và chúng tôi sẵn sàng dùng chân tay để dọn dẹp. Ơn trời là người Nhật đến giúp rất nhiều và làm một lượng lớn công việc, vì vậy chúng tôi có thể tập trung vào nhiệm vụ chính là thiết lập lại đường băng”.

 

Một khi dọn dẹp được đường băng dài 1.000m, họ có thể đưa được máy bay vận tải C-130 vào và có thể dùng máy xúc, đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp. “Đó là khi chúng tôi có thể đưa vào các máy bay khác và xem đây là một đường băng có thể dùng được cho hoạt động cứu hộ”.
 
 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 6
Sân bay là nơi tập kết đồ cứu trợ cho 170.000 người vẫn đang sống ở trong các trung tâm cứu trợ dọc bờ biển đông bắc Nhật.
 

Sân bay hiện là địa điểm tập kết của hàng tấn chăn màn, thực phẩm, nước uống và các đồ cứu trợ khác cho hơn 170.000 người hiện vẫn sống trong các trung tâm sơ tán dọc bờ biển đông bắc Nhật.

 

Hàng ngàn lít nhiên liệu cũng được chuyển bằng máy bay tới Sendai để cung chấp cho máy móc dọn dẹp hàng núi đống đổ nát vẫn còn ngự trị khắp một khu vực rộng lớn.

 

Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng sân bay vẫn còn lâu mới có thể trở lại như trước khi sóng thần quét qua.

 

Những chiếc xe hơi bẹp rúm vẫn nằm rải khắp bãi đỗ, những băng truyền lấy hành lý trong nhà ga đến bị xoắn chặt cùng bùn đất; không có điện, không có nước và khu vực cạnh các cửa là nhà của hàng chục nhân viên Mỹ. Họ ngủ trên giường quân sự.
 
 
Nhìn lại sân bay bị sóng thần tàn phá ở Nhật - 7
Nhân viên phục hồi đường băng của Mỹ ngủ tại sân bay.
 

Một bảng thông báo các chuyến bay rời đi đã chết từ ngày 11/3. Một số vẫn đánh dấu “trễ giờ”.

 

Tuy nhiên, Traxler cho hay chuyến bay thương mại đầu tiên không còn quá xa. “Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, trong vòng 3 tuần tới chúng ta có thể thấy sân bay này trở lại với các chuyến bay cho khách và hàng hóa quốc tế cũng như nội địa”, ông cho hay.

 

“Hi vọng đó là hơi cao, nhưng tôi chắc người Nhật có thể làm được. Mặc dù vẫn còn rất xa nữa sân bay mới nhộn nhịp và sinh lời trở lại, nhưng điều quan trọng là hoạt động đã được nối lại. Đó là biểu tượng của hị vọng và phục hồi”, ông cho biết.
 
Video sóng thần quét qua sân bay Sendai

 

Phan Anh

Theo AFP