1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Nhiệm vụ bất khả thi"

(Dân trí) - Lệnh truy nã cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và vợ mà Tòa án Tối cao Thái Lan mới thông qua có thể sẽ buộc chính phủ nước này phải chính thức đề nghị Anh dẫn độ vợ chồng Thaksin về nước. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là một tiến trình không dễ dàng nếu không nói là "bất khả thi".

Mới đây, chính phủ Thái Lan đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao và các cố vấn pháp lý nghiên cứu về Luật dẫn độ của Thái Lan, Thỏa thuận dẫn độ Anh-Thái Lan và Luật dẫn độ của Anh năm 2003, để cân nhắc xem có nên đưa ra đề nghị dẫn độ hay không.

 

Tuy nhiên, dẫn độ là một tiến trình khó khăn và mất nhiều thời gian. Đưa ra đề nghị dẫn độ có thể rất dễ, song xác suất thành công là rất thấp. Vụ nhà tài phiệt Pin Chakkaphac là một ví dụ điển hình. Ông Pin và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty tài chính One đã bị buộc tội biển thủ 2,1 tỷ baht. Ông Pin chạy sang Anh và đã bị nhà chức trách Anh bắt vào tháng 12/1999. Tháng 4/2007, Tòa án Anh phán quyết rằng chính quyền Thái Lan đã không đưa ra đủ chứng cứ để buộc tội Pin và từ chối cho Thái Lan dẫn độ ông này về nước.

 

Vụ gần đây nhất được London cho phép dẫn độ là vụ cố Tổng thống Chilê Pinoche. Tuy nhiên trong vụ này, Pinoche đã bị buộc tội liên quan đến việc tra tấn và sát hại nhiều nhân vật của phe đối lập và đó là những tội danh nặng hơn rất nhiều so với những cáo buộc nhằm vào ông Thaksin.

 

Hiện có nhiều lý do để Anh có thể từ chối đề nghị dẫn độ của chính phủ Thái Lan vì nước này rất quan tâm tới vấn đề công tâm và bình đẳng của tòa án. Luật quốc tế đã quy định đảm bảo cho một cá nhân có quyền bình đẳng trước tòa. Luật quốc tế thông thường quy định rằng việc dẫn độ có thể bị từ chối nếu ở một quốc gia nào đó không có một toà án công bằng hoặc đề nghị dẫn độ trong thực tế có ý đồ phân biệt hoặc ngược đãi cá nhân.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã kịch liệt phản đối những cáo buộc tham nhũng đối với ông, coi đó như "một động cơ chính trị", và nói rằng ông đã thuê các luật sư ở Anh để chống lại trường hợp đòi dẫn độ của Băngcốc.

 

Ông Thaksin cho biết ông đã yêu cầu các luật sư của mình chuẩn bị những thông tin cần thiết để trình lên chính phủ Anh nhằm làm xói mòn nỗ lực của chính phủ Thái Lan yêu cầu dẫn độ ông về nước. Ông có thể sẽ lựa chọn việc kháng án ở Anh chứ không phải ở Thái Lan vì hệ thống tư pháp ở Anh có cơ sở bảo vệ quyền lợi cơ bản của bị cáo. Ông Thaksin còn khẳng định sẽ không trở về Thái Lan để bào chữa cho mình, chừng nào quân đội vẫn nắm quyền.

 

Luật sư của ông Thaksin tại Bangkok, ông Noppadon khẳng định: "Các luật sư tại Anh đang chuẩn bị tài liệu và bằng chứng để chứng minh tại tòa án rằng mọi điều chống lại ông Thaksin, từ việc tòa án phong tỏa tài sản đến giải tán đảng chính trị của ông, được thực hiện vì những lý do chính trị". Ông Noppadon cho biết thêm các thủ tục dẫn độ sẽ phải kéo dài ít nhất một năm kể từ khi Bộ Ngoại giao Anh nhận được yêu cầu dẫn độ từ Bangkok.

 

Theo giới phân tích, việc đưa ra đề nghị dẫn độ đối với cựu Thủ tướng Thaksin đòi hỏi phải có một bản hiến pháp và một chính phủ mới. Vấn đề then chốt ở đây là làm thế nào để người Anh có thể tin rằng Thái Lan có khả năng tổ chức một phiên tòa công bằng và minh bạch. Hơn nữa, việc Thaksin trở thành Chủ tịch của câu lạc bộ bóng đá Manachester City cũng là một căn cứ để pháp luật Anh bảo vệ ông vì rõ ràng Thaksin đang sở hữu một lượng tài sản lớn của Anh.

 

Kiến Văn