1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật muốn cung cấp máy bay cho Philippines để tuần tra Biển Đông

(Dân trí) - Nhật Bản muốn cung cấp cho Philippines các máy bay mà nước này có thể sử dụng cho các cuộc tuần tra ở Biển Đông, các nguồn tin cho biết, trong một động thái làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh giữa Tokyo và quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với Bắc Kinh tại vùng biển “nóng”.

Nhật muốn cung cấp máy bay cho Philippines để tuần tra Biển Đông - 1

Một máy bay Beechcraft TC-90 King Air của Nhật Bản (Ảnh minh họa: Airliners.net)

Bốn nguồn tin biết về vấn đề trên tiết lộ rằng Nhật Bản đang xem xét cung cấp cho Philippines 3 máy bay Beechcraft TC-90 King Air, có thể được trang bị radar do thám trên không và trên mặt biển.

Theo các nguồn tin trên, các cuộc thảo luận trong nội bộ chính phủ Nhật Bản mới chỉ là sơ bộ và có thể cần phải vượt qua các rào cản pháp lý. Nhật Bản chưa chính thức đề nghị cung cấp các máy bay này nhằm thay thế cho các máy bay hiện đại hơn Lockheed Martin P3-C mà Manila muốn để theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán cấp sự vụ đã được tổ chức để thăm dò tiềm năng hợp tác về thiết bị phòng thủ với Philippines, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nhằm cung cấp cho Manila các máy bay TC-90.

“Philippines không có đủ máy bay để tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên Biển Đông”, một trong các nguồn tin giấu tên tại Nhật cho hay.

Các quan chức quốc phòng và quân đội cấp cao của Philippines tại Manila nói họ chưa nghe được thông tin về khả năng tài trợ các máy bay TC-90, mà Nhật Bản sử dụng để huấn luyện các phi công quân đội.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay ông không biết về bất kỳ kế hoạch nào của Nhật nhằm cung cấp các máy bay. Các tướng lĩnh hàng đầu của Philippines cũng nói không biết, nhưng hoan nghênh hợp tác an ninh ngày càng gia tăng với Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận gì về các thông tin trên.

Quyết định mở đường

Các máy bay TC-90, dù là loại nhỏ, cũng có thể giúp Philippines trong quá trình nâng cấp quân đội. Hiện Manila chỉ có một số ít máy bay có thể được triển khai cho các sứ mệnh tuần tra hàng hải.

Trang bị cho Manila các máy bay tuần tra hàng hải có thể hợp với chính sách an ninh mạnh mẽ hơn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhưng nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh từng nhiều lần cáo buộc Tokyo can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Theo các nguồn tin, để có thể tài trợ các thiết bị từng được quân đội Nhật sử dụng cho một nước khác, các nghị sĩ cần sửa đổi các quy định tài chính, trong đó yêu cầu các thiết bị cũ thuộc sở hữu của chính phủ phải được bán với giá thị trường.

Điều đó cũng mở đường cho phép Nhật tài trợ thiết bị quân sự cho các quốc gia thân thiết tại Đông Nam Á.

Các nguồn tin tại Nhật cho hay, radar giám sát máy bay và các hoạt động trên biển có thể được lắp đặt dễ dàng trên TC-90 nếu chúng được chuyển giao. Quân đội Mỹ hiện vẫn sử dụng máy bay Beechcraft King Air 90 trong các sứ mệnh vận tải và để huấn luyện phi công.

Mặc dù Bộ trưởng Gazmin nói Manila vẫn muốn các máy bay P3 mà Tokyo sẽ cho về hưu trong vài năm tới, nhưng một quan chức quân đội cấp cao của Philippines cho hay việc vận hành và bảo dưỡng các máy bay giám sát tiên tiến như vậy và thiết bị hỗ trợ mặt đất có thể là một thách thức. P3 cũng tiêu hao nhiều nhiên liệu.

Nhật Bản lo ngại rằng sự thiếu hụt về kinh nghiệm của Philippines về các phương tiện do thám hàng hải đồng nghĩa rằng nước này gặp khó khăn trong việc vận hành thiết bị của máy bay và phân tích nhanh các dữ liệu thu thập được.

Mỹ, Nhật tăng cường hợp tác an ninh với Philippines

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lo ngại về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, giúp Bắc Kinh có thể mở rộng tầm với quân sự tới các tuyến đường biển mà phần lớn thương mại hàng hải của Nhật Bản đi qua.

Những lo ngại về các đảo nhân tạo ở Biển Đông là chủ đề được nhắc tới các cuộc họp đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia giữa khối ASEAN và các nước trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù thừa nhận các đảo nhân tạo có mục đích quân sự, Trung Quốc khăng khăng rằng điều đó không đe dọa các láng giềng và nói rằng các tiền đồn cũng sẽ có các mục đích dân sự như theo dõi thời tiết, tìm kiếm và cứu hộ.

Các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang gần hoàn thành việc xây dựng một đường băng dài 3.000 m trên một trong số các đảo nhân tạo.

Philippines và Nhật Bản đang tăng cường quan hệ an ninh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Hai nước đã tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân tại Biển Đông trong những tháng gần đây.

Hồi tháng 6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận lực lượng viếng thăm, có thể mở đường cho Nhật Bản sử các căn cứ tại Philippines để tiếp nhiên liệu hoặc tiếp tế cho các tàu hải quân.

Mỹ, quốc gia có các hiệp ước an ninh với cả Tokyo và Manila, ủng hộ sự hợp tác giữa Philippines và Nhật Bản vì nước này muốn các đồng minh trong khu vực sát cánh để chia sẻ gánh nặng an ninh trong bối cảnh sức mạnh quân sự và sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Một nguồn tin quân đội Mỹ tiết lộ, Washington đã đề nghị quân đội Nhật cung cấp huấn luyện và bảo dưỡng kèm theo bất kỳ máy bay nào mà Tokyo cung cấp cho Philippines.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm