Nhật: Lại nổ tại lò phản ứng số 2, cháy lò phản ứng 4, phóng xạ tăng vọt
(Dân trí) - Sáng nay đã xảy ra nổ ở lò phản ứng số 2, cháy lò số 4 của nhà máy điện Fukushima, làm 16 người bị thương, khiến vỏ lò bị hư hại và phóng xạ tăng vọt ở mức nguy hiểm, gây nguy hại tới sức khỏe của con người.
Khói bốc lên từ vụ nổ sáng nay.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Naoto Kan cho hay một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima và mức phóng xạ tăng mạng.
Ông Kan kêu gọi người dân sống trong vòng bán kính 20-30km từ nhà máy điện Fukushima ở trong nhà do đám cháy đẩy phóng xạ lên mức nguy hiểm. Ông kêu gọi người dân "bình tĩnh".
Đây là vụ nổ thứ 3 trong 4 ngày qua ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Hôm thứ bảy vừa qua, đã xảy ra một vụ nổ khí hydro tại lò phản ứng số 1, trong khi sáng qua, xảy ra vụ nổ tương tự ở lò phản ứng số 3. Công ty Tokyo Electric Power Co (Tepco) sở hữu nhà máy này xác nhận vụ nổ xảy ra gần bể nén (suppression pool), phần thuộc vỏ chứa bên ngoài lò phản ứng, làm 15 công nhân và một nhân viên quân sự bị thương. Bể này sau đó đã được phát hiện có lỗi. Một số nhân viên đã được tạm thời sơ tán
Nếu được xác nhận, đây sẽ là hư hại trực tiếp đầu tiên với lò phản ứng kể từ khi xảy ra trận động đất/sóng thần khủng khiếp vào đông nam Nhật Bản hôm 11/3.
"Sẽ không có Chernobyl thứ hai"
Các nhà khoa học quốc tế cho rằng có những nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng không ở mức độ thảm hoạ Chernobyl năm 1986.
Lên tiếng tại Vienna, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano nói rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân này chắc sẽ không biến thành một Chernobyl nữa. Các lò phản ứng vẫn nguyên vẹn và mức phóng xạ thoát ra có giới hạn.
Theo đúng phương án an toàn hạt nhân tại Nhật, 14 trên tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc đã tự động ngưng vận hành trong lúc mặt đất bị rung chuyển. Nhưng “tắt máy” một lò hạt nhân rất phức tạp, đòi hỏi thời giờ và phải có một hệ thống làm giảm nhiệt. Nếu không thì nhiệt độ tăng dần, thiêu hủy vật liệu bảo vệ lò phản ứng và nổ tung như một quả bom nguyên tử. Đây là cơn ác mộng đã xảy ra tại Chernobyl năm 1986 mà Nhật Bản và cả thế giới muốn tránh bằng mọi giá.
Vấn đề là trong số 14 lò phản ứng tại vùng đông bắc Nhật Bản tập trung tại 4 trung tâm hạt nhân, một số đã bị hỏng hệ thống làm lạnh.
Tại Fukushima, dưới áp suất của khí hydro, 3 trên 6 lò phản ứng đã bị nổ. Tập đoàn Tepco dự trù đục lỗ để làm giảm áp suất khí hydro bên trong nhà máy.
Trong khi đó, trung tâm Onagawa, nơi xảy ra hỏa hoạn vào buổi đầu thiên tai, nay đã được đặt trong tình trạng báo động vì có lượng phóng xạ cao bất thường. Cuộc điều tra đang tiến hành để xem nguồn gốc phóng xạ này đến từ đâu, do bị rò rỉ hay đến từ Fukushima?
Cuối cùng là trung tâm Tokai, chỉ cách Tokyo có vài chục km, cũng bị ngưng hệ thống làm lạnh.
Mặc dù vận rủi liên tục xảy ra cho quần đảo Nhật Bản, chính phủ tìm cách trấn an dân chúng. Bộ trưởng bộ chiến lược quốc gia Koichiro Gemba tuyên bố là hoàn toàn không có khả năng xảy ra một vụ ''Chernobyl''.