1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật - Hàn nguy cơ chiến tranh kinh tế vì mâu thuẫn lịch sử

Các biện pháp của chính phủ Nhật Bản nhằm thắt chặt xuất khẩu một số hóa chất quan trọng đối với ngành chế tạo Hàn Quốc, có hiệu lực từ hôm qua, làm gia tăng nguy cơ 2 quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ này hướng đến một cuộc xung đột kéo dài.

Nhật - Hàn nguy cơ chiến tranh kinh tế vì mâu thuẫn lịch sử - 1

Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các hóa chất dùng trong sản xuất đồ công nghệ cao của Hàn Quốc ảnh: Reuters

Cụ thể, Nhật Bản thắt chặt xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn thứ ba của mình 3 loại hóa chất quan trọng và không thể thiếu đối với ngành công nghệ cao như thiết bị bán dẫn, điện thoại thông minh và màn hình TV. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki hôm qua nói rằng nước này không loại trừ khả năng áp dụng biện pháp trả đũa trực nếu Tokyo duy trì hạn chế này trong thời gian dài.

“Triển khai các biện pháp đáp trả Nhật Bản là khả năng không loại trừ, vì WTO sẽ mất nhiều thời gian để đưa ra kết luận”, ông Hong nói trên một kênh phát thanh Hàn Quốc.

Theo quy định mới của chính phủ Nhật, các công ty xuất khẩu phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và hợp chất HF cho từng hợp đồng, và thời gian xem xét cấp phép có thể lên đến 90 ngày. Trước đây, giấy phép xuất khẩu những chất này thường được cấp cho cả giai đoạn 3 năm, theo Japan Times.

Quyết định này cho thấy sự bực tức của Tokyo trước điều mà họ coi là sự phản ứng chậm chạp của Seoul trong nỗ lực giải quyết vấn đề lao động cưỡng ép thời chiến.

Nhật Bản chiếm thị phần lớn đối với 3 loại hóa chất nêu trên, đặc biệt là chiếm 80-90% thị phần chất HF. Các hãng điện tử lớn của Hàn Quốc như Samsung và SK đang là khách hàng của Nhật Bản. Các hóa chất này cũng có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Báo chí Hàn Quốc đưa tin Seoul đang tính chuyện nộp đơn khiếu nại Nhật Bản lên WTO.

Quan hệ Nhật - Hàn trở nên căng thẳng vì vấn đề lịch sử, gần đây nhất là việc một tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Nhưng Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã được giải quyết xong theo thỏa thuận được ký giữa hai nước vào năm 1965.

Sau khi các công ty liên quan từ chối bồi thường, luật sư đại diện cho các nguyên đơn đòi tịch thu tài sản của những công ty đó. Đáp lại, chính phủ Nhật đề nghị Hàn Quốc đối thoại song phương để giải quyết vấn đề, đồng thời thúc giục nước này đưa ra giải pháp thỏa đáng nhân dịp thượng đỉnh G20 vừa qua. Nhưng Hàn Quốc không phản hồi đề xuất đối thoại và cũng không chấp nhận đề nghị giải quyết vấn đề nhân dịp G20, phía Nhật Bản cho biết.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee hôm qua cảnh báo những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ trở thành một “mối đe dọa lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới quan sát lo ngại căng thẳng lần này giữa hai đối tác thương mại và đồng minh của Mỹ có thể vượt tầm kiểm soát.

Mỹ có truyền thống sẽ can thiệp khi căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á vì cả hai đều đối mặt với mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây bày tỏ hoài nghi chuyện Mỹ đặt lực lượng đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và chính quyền của ông vẫn đứng ngoài khi hai đồng minh này của mình căng thẳng với nhau. Ông Trump đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tuần qua, nhưng không đưa ra phát biểu công khai nào để hạ hỏa mâu thuẫn.

Theo Bình Giang

Tiền phong