Nhật Bản, Trung Quốc tranh giành “miếng bánh” tại châu Phi
(Dân trí) - Tokyo có kế hoạch cung cấp thêm viện trợ cho các quốc gia châu Phi không chỉ nhằm thúc đẩy sự ổn định tại châu lục này mà còn giúp các công ty Nhật Bản có chỗ đứng tốt hơn và không bị tụt hậu so với Trung Quốc về “miếng bánh” ngoại giao-kinh tế.
Trung Quốc đang ngày càng bỏ xa Nhật Bản về các khoản đầu tư tại châu Phi
Trong khi đó, tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang có chuyến thăm châu Phi trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng chiến lược của châu Phi đối với Trung Quốc.
Trong nhiều năm, Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia hào phòng nhất thế giới về viện trợ phát triển chính thức cho các quốc gia đang phát triển khắp thế giới, thậm chí cả trong 2 thập niên nền kinh tế trong nước phát triển tương đối chậm sau thời kỳ bong bóng kinh tế vào đầu những năm 1990.
Việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã làm lu mờ niềm tự hào Nhật Bản, nhưng quan trọng hơn, sự năng nổ của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm các thị trường mới và các đồng minh mới tại các khu vực trước kia nằm ngoài phạm vi truyền thống của mình đã giúp các công ty Trung Quốc giành lợi thế trong các thỏa thuận thương mại.
Và các thỏa thuận đó, có liên quan tới các khoản viện trợ hậu hĩnh từ Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc đang giành các quyền lợi đối với các kim loại đất hiếm, vốn được sử dụng trong ngành công nghệ cao như pin lithium-ion dùng trong ô tô điện.
85% platinum được sử dụng tại Nhật Bản, chủ yếu trong ngành công nghiệp ô tô, và 67% mangan, được nhập khẩu từ châu Phi.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo rằng nước ông sẽ cung cấp thêm 550 triệu USD viện trợ tại một cuộc gặp của các nhà tài trợ cho châu Phi tổ chức ở Ethiopia hôm 16/3. Cuộc gặp là bước chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Nhật Bản trong 3 ngày từ 1/6.
Về mặt chính thức, các nguồn tài trợ trên được sử dụng để chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố tại châu Phi và được Tokyo phê chuẩn sau vụ tấn công nhằm vào nhà máy sản xuất khí đốt Tigantourine gần thành phố In Amenas của Algeria hồi tháng 1. Cuộc khủng hoảng kết thúc với cái chết của ít nhất 69 người, trong đó 39 người là các con tin nước ngoài.
Trong số các công dân nước ngoài tại nhà máy, Nhật Bản hứng chịu số thương vong cao nhất. 10 trong số 17 nhân viên của công ty xây dựng JGC đóng tại Yokohama bị bắt làm con tin đã thiệt mạng trong tay của những kẻ bắt cóc hoặc trong cuộc đột kích sau đó nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh rằng sẽ duy trì chính sách khuyến khích và trợ giúp các công ty Nhật Bản có chỗ đứng trong các điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn tại châu Phi.
Các đối thủ đáng gờm
Ít người nghi ngờ về quy mô tiềm năng kinh tế tại “châu lục đen” gồm 54 quốc gia. Nhưng trong khi chính phủ Nhật Bản và các công ty trong nước cho tới nay vẫn chậm chạp trong việc tận dụng lợi thế cơ hội, các quốc gia khác - trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc - đã và đang đẩy mạnh sự hiện diện tại một châu lục vốn là thị trường truyền thống các quốc gia châu Âu gần hơn về mặt địa lý.
“Nhiều công ty Nhật Bản vẫn chưa nghĩ ra cách tốt nhất để thiết lập hoạt động tại châu Phi và cho tới nay vẫn tiếp cận châu Phi một cách đơn giản thông qua các công ty thương mại lớn”, James Kuria, người đứng đầu ban phát triển kinh tế châu Phi tại Công ty thương mại Deloitte Tohmatsu ở Tokyo nói.
“Nhưng bằng việc sử dụng các đại lý, điều đó chứng tỏ họ không hiểu về thị trường vì họ không phải là những người tham gia trực tiếp vào thị trường và do đó thiếu sự tương tác trực tiếp với người tiêu dùng. Chúng tôi giờ đây đang tránh khỏi mô hình đó”, ông Kuria nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải nỗ lực, khi các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG đã kiểm soát 60% thị trường tivi, và Samsung đã tự đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD tại châu Phi vào năm 2015, đưa thị trường này sánh ngang với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
Các nỗ lực mở rộng mạnh mẽ này trên khắp châu Phi buộc Nhật Bản phải cân nhắc lại quan điểm đối với thị trường này.
Sáng kiến TICAD, vốn là sáng kiến của Nhật Bản được đưa ra vào năm 1993 nhằm tăng cường sự ủng hộ quốc tế cho việc phát triển châu Phi và được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, đã đưa tới một tầm quan trọng mới đối với Tokyo. Trong hội nghị gần đây nhất hồi năm 2008, Tokyo đã cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi lên 1,8 tỷ USD đến năm 2012.
Ngoài 550 triệu USD dành cho an ninh, Nhật Bản sẽ công bố một gói viện trợ lớn hơn tại hội nghị sắp tới. Tầm quan trọng của hội nghị được chứng minh bằng một thực tế rằng sự kiện sẽ có sự tham gia của các quan chức của gần 70 quốc gia khắp thế giới, cùng hàng loạt tổ chức quốc tế và do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chủ trì.
An Bình
Tổng hợp