1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản náo nức đón “người hùng không gian” trở về

(Dân trí) - Nhật Bản hiện đang đếm ngược thời gian cho chuyến trở về của một “người hùng không gian” vào tuần tới - một cỗ máy với “thương tích đầy mình” đang “tập tễnh” trở về từ chuyến phiêu lưu 7 năm tới một tiểu hành tinh xa xôi trong vũ trụ.

Nhật Bản náo nức đón “người hùng không gian” trở về - 1
Hình dạng "Người hùng không gian" Hayabusa 
 

Tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa được người Nhật kỳ vọng có thể đánh bại những dự án không gian của Mỹ và châu Âu để trở thành tàu thăm dò đầu tiên mang vật liệu thô từ một tiểu hành tinh trở về trái đất.

 

Người Nhật đã chi 138 triệu USD để phát triển tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa và hiện tàu này đang tiến tới điểm cuối của hành trình dài 5 tỷ km, với “thương tích” đầy mình: động cơ bị vỡ, thiết bị điều chỉnh hình dạng bị hỏng và pin không hoạt động.

 

Dự kiến tàu thăm dò Hayabusa sẽ thả một hộp chứa bụi của tiểu hành tinh khi tiến về trái đất. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Hayabusa sẽ thả hộp đó ở Woomera Test Range, vùng xa xôi của Australia vào ngày 13/6 tới.

 

Còn bản thân Hayabusa sẽ bị “hoả táng” khi nó lao xuống bầu khí quyển trái đất.

 

Chuyến “phiêu lưu” của Hayabusa đã thu hút được sự quan tâm cả đông đảo công chúng Nhật. Thậm chí một bộ phim dựng trên máy tính có tên gọi “Hayabusa trở về trái đất” đã thu hút được khoảng 150.000 người khắp nước Nhật và họ đề xuất trao cho Hayabusa Giải thưởng danh dự quốc gia.

 

Cơ quan khám phá vũ trụ Nhật (JAXA) đã nhận được trên trang web đặc biệt về Hayabusa gần 1.000 lời nhắn coi tàu thăm dò như một “anh chàng” và chúc mừng “anh chàng” hoàn thành chuyến đi đầy khó khăn và đơn độc của mình.

 

Nhìn lại hành trình của “anh hùng không gian”

 

Ngoài mặt trăng, tàu thăm dò lớn bằng chiếc xe hơi Hayabusa đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của thế giới hạ cánh và cất cánh từ một thiên thể trong vũ trụ. Lý do bởi tàu đã có cuộc “hẹn hò” với tiểu hành tinh hình của khoai tây Itokawa.

 

Được phóng đi vào ngày 8/5/2003, Hayabusa đã tiến tới tiểu hành tinh có bề rộng 540m này vào tháng 9/2005.

 

Tàu thăm dò đã có cú hạ chính xác xuống một điểm bằng phẳng trên tiểu hành tinh gập ghềnh, quay tròn Itokawa, nằm cách trái đất 300 triệu km, xa gấp đôi mặt trời.

 

Hayabusa đã để lại trên Itokawa một quả bóng kim loại bọc một cuốn phim nhựa mỏng có chứa tên của 880.000 người từ 149 quốc gia, trong số đó có nhà làm phim Mỹ Steven Spielberg và tác giả khoa học viễn tưởng người Anh Arthur C. Clarke. Tất cả những người có tên này đã đăng ký theo lời mời mở của JAXA.

 

Các nhà khoa học hi vọng Hayabusa thu thập được bụi bay lên khi tàu thăm dò này hạ cánh xuống tiểu hành tinh Itokawa, mặc dù dữ liệu cho thấy tàu thăm dò đã không bắn được một viên đạn theo như kế hoạch để làm lõm bề mặt của tiểu hành tinh hoặc tạo sóng bụi cát.

 

Họ hi vọng các mẫu "sống" lấy từ tiểu hành tinh, không giống như những mẫu thiên thạch, sẽ cho họ manh mối về sự phát triển của hệ mặt trời.

 

Cả Mỹ và châu Âu đã tiến hành những dự án lớn để phân tích hiện tượng này. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã triển khai sứ mệnh trị giá 1,2 tỷ USD Rosetta, với mục đích triển khai một phòng thí nghiệm robot trên một sao chổi, phân tích đất của nó và truyền dữ liệu về trái đất.

 

Trong sứ mệnh Deep Impact năm 2005, Mỹ cũng đã cho lao một khối kim loại vào một sao chổi để phân tích khí và bụi phát ra từ vụ va chạm. Một tàu thăm dò khác, Stardust, đã trở về vào năm 2006 với vật liệu thu được khi bay qua đuôi của một sao chổi.

 

Các nhà khoa học cho biết Hayabusa đã thực hiện được một sứ mệnh vô cùng lớn lao, thậm chí nếu nó không mang được gì về trong chiếc hộp chứa mẫu vật. Hayabusa đã chụp được nhiều hình ảnh và đã phân tích được mật độ, cấu tạo các nguyên tố bề mặt cùng những đặc điểm khác của tiểu hành tinh Itokawa bằng việc dùng tia hồng ngoại và tia X.

 

Hayabusa đã gặp hàng loạt trục trặc kỹ thuật. Nó đã bị mất điều khiển do rò rỉ nhiên liệu vào tháng 12/2005 và sau đó mất liên lạc với trái đất trong 7 tuần, cho đến tận tháng 1/2006.

 

Khi trạm điều khiển dưới mặt đất nối lại được liên lạc, thì đã quá muộn cho Hayabusa để tiến vào quỹ đạo trở về đã định. Vì vậy Hayabusa đã phải đợi tới 3 năm để có vị trí lý tưởng giữa trái đất và Itokawa.

 

Tháng 4/2007 Hayabusa rời tiểu hành tinh Itokawa trở về trái đất, với động cơ bị hư tổn. Hiện nó đang bay bằng 2 động cơ đã bị hư tổn một phần.

 

Một nhà khoa học của JAXA cho biết kỷ nguyên khám phá vũ trụ đầu tiên đã qua, nhưng “chúng ta sẽ chứng kiến một thời kỳ “ra, vào” các thiên thể vũ trụ trong hệ mặt trời. Và Hayabusa là bước đầu tiên của thời kỳ này”.

 

Phan Anh

Theo AFP