1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhật Bản “khát” chiến đấu cơ

(Dân trí) - Mạng tin Defense News tiết lộ, Nhật Bản có thể đối mặt với tình hình thiếu hụt máy bay chiến đấu trong thập kỷ tới, trong bối cảnh quốc gia này lên kế hoạch “cho nghỉ hưu” một số chiến đấu cơ cũ kỹ như F-2 và F15 bắt đầu từ năm 2020.

Các chiến đấu cơ

Các chiến đấu cơ F-15 của Nhật sẽ bắt đầu được loại bỏ vào cuối thập niên 2020. (Ảnh: Defense News)

Hiện Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản đang sở hữu 223 chiếc F-15, 94 chiếc F-2 (một phiên bản máy bay tầm xa biến thể của F-16C của Lockheed Martin) và dòng F-4 Phantom II (mẫu máy bay tiêm kích ném bom tầm xa siêu thanh hai chỗ ngồi) do hãng McDonnell Douglas sản xuất.

Trên thực tế, Nhật Bản đã bắt đầu loại bỏ dần những chiếc F-4 Phantom khỏi biên chế, giống như nhiều nước khác từng thực hiện, trong đó có Mỹ (quốc gia từng cho về hưu những chiếc F-4 cuối cùng vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước).

Cùng lúc, Nhật Bản tiến hành nâng cấp những chiếc chiến đấu cơ F-2 và F-15, bao gồm cải thiện khả năng không chiến của dòng máy bay F-15. Tuy nhiên, F-2 không còn phát huy nhiều hiệu quả trong lực lượng không quân Nhật Bản và do đó, Tokyo dự định sẽ “cho về hưu” hàng loạt trong thập niên 2020. F-15 cũng sẽ bắt đầu được loại bỏ vào cuối thập niên 2020, cho dù một số bản cập nhật vẫn còn hữu dụng.

Trước những diễn biến này, Phó Chủ tịch Nhóm nghiên cứu Không gian và Quốc phòng Teal Group, Richard Aboulafia, cho rằng Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản có thể đối mặt với sự thay đổi cơ cấu lực lượng nghiêm trọng trong thập kỷ tới. Vấn đề lớn hơn là không quân Nhật Bản chưa hề có sự thay thế tương xứng cho máy bay F-15.

Một nhà phân tích quân sự tại Nhật Bản cho biết, F-2 hiện là dòng máy bay rất tệ và việc loại bỏ nó là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện chưa có máy bay thay thế cho F-15. Điều đó đồng nghĩa với Tokyo sẽ phải mua các mẫu chiến đấu cơ mới thay thế như F-22 hay F-35.

Nhật Bản đã cố gắng mua mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ, song Washington hiện đang vướng lệnh cấm xuất khẩu F-22 ra nước ngoài.

Thay vào đó, Tokyo chuyển hướng sang mua 42 chiếc F-35 Joint Strike Fighters (máy bay tiêm kích tấn công kết hợp) vào năm 2011 cho chương trình thay thế của mình.

Đánh giá về F-35, ông Aboulafia nhận định, mẫu máy bay này có thể không phải là tuyệt vời nhất trên phương diện tốc độ, khả năng xoay trở, tầm bay và trọng tải, song nó sở hữu khả năng tàng hình và các công nghệ cảm biến hiện đại, những điều sẽ góp phần cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu của Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản.

Dù có thêm 42 chiếc F-35 song Nhật Bản vẫn đi sau trong cuộc đua với Trung Quốc và Nga, hai “đối thủ” đang nhanh chóng cải thiện khả năng không chiến của mình.

Một sự thay thế khả dĩ khác là mẫu máy bay tàng hình F-3 mà Nhật Bản đang cố gắng tự sản xuất. Tokyo hy vọng mẫu máy bay này có thể hoàn thiện vào khoảng thập niên niên 2030. Tuy nhiên, dù chương trình này có thành công hay thất bại, thì trước mắt Tokyo vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt chiến đấu cơ trong thời gian tới.

 Ngọc Yến
Theo Defense News