Nhật Bản đề xuất tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục lên 48,7 tỷ USD
(Dân trí) - Các nhà hoạch định quốc phòng Nhật đang tìm kiếm khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục cho tài khóa tới để mua sắm chiến đấu cơ tàng hình, tàu ngầm công nghệ cao, trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đẩy mạnh quân đội giữa lúc có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nếu được phê chuẩn, đây là lần thứ 3 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng sau 1 thập niên cắt giảm ngân sách, vốn kết thúc sau khi ông Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012.
Thủ tướng Abe, người có lập trường quyết đoán hơn về an ninh quốc gia, cũng chấm dứt một lệnh cấm các binh sĩ Nhật tham chiến ở nước ngoài và nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí.
Với các động thái trên, ông Abe đã “chọc giận” một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là Bắc Kinh, vốn cáo buộc ông muốn làm sống lại chủ nghĩa quân phiện thời chiến của Nhật.
Trong khi đó, Nhật Bản lại lo ngại về sự tăng cường quân đội nhanh chóng tại Trung Quốc, vốn “vượt mặt” Nhật Bản trong những năm gần đây để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong thập niên qua lên 808 tỷ nhân dân tệ (132 tỷ USD), gần gấp 3 lần của Nhật.
Trong những năm gần đây, căng thẳng Trung-Nhật đã gia tăng vì chủ quyền một quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông. Các tàu và máy bay quân sự từ cả hai nước thường xuyên chạm trán nhau trong khu vực.
Mua sắm hàng loạt trang thiết bị
Một nỗ lực nhằm bảo vệ tốt hơn các đảo xa, Bộ quốc phòng Nhật muốn mua 6 máy bay tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin cùng 20 máy bay tuần tra từ P-1 của hãng Kawasaki.
Trong một đề nghị khác nhằm phục vụ việc tuần tra các vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, Bộ quốc phòng Nhật cũng đang tìm kiếm khoản ngân sách 64,4 tỷ yen (63 triệu USD) để nâng cấp một tàu ngầm lớp Soryu, vốn có thể lặn sâu hơn hẳn tàu ngầm cùng lớp mà Bộ quốc phòng đặt mua trong tài khóa hiện thời nhưng có giá thấp hơn 20%.
Danh sách mua sắm của Nhật cũng bao gồm các máy bay do thám không người lái và máy bay cánh xoay, vốn có thể cất cánh hạ cánh như một trực thăng, trong bối cảnh Nhật muốn thúc đẩy các khả năng giám sát và triển khai binh sĩ.
Bộ quốc phòng Nhật không nói rõ mẫu máy bay do thám không người lái và máy bay cánh xoay nào định mua vì các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp tiềm năng vẫn đang diễn ra, nhưng V-22 Osprey là máy bay cánh xoay duy nhất được sử dụng trong quân đội, trong đó có các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.
Ngoài các vũ khí hiện đại, đề xuất ngân sách cũng nhằm phục vụ kế hoạch thay thế các máy bay chính phủ cũ, được sử dụng cho các mục đích như các chuyến công du nước ngoài của thủ tướng - giống chiếc "Không lực Một" của Tổng thống Mỹ - bằng 2 chiếc Boeing 777-300.
Bộ quốc phòng Nhật cũng đề phòng Triều Tiên, khi muốn mua tàu khu trục thứ 7 được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.
“Chúng tôi sẽ củng hố hệ thống nhằm bảo vệ toàn bộ đất nước một cách liên lục và theo kiểu nhiều tầng nhằm chống lại các vụ tấn công tên lửa đạn đạo”, Bộ quốc phòng Nhật cho biết trong một tuyên bố.
Phần lớn quần đảo Nhật Bản nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm trung Rodong của Triều Tiên. Sách trắng quốc phòng của Nhật đã gọi hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng là nhân tố gây mất ổn định nghiêm trọng đối với Nhật Bản và thế giới.
Sau khi ngân sách trên được đệ trình, Bộ quốc phòng và Bộ tài chính Nhật sẽ tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán trước khi đi đến thống nhất về ngân sách chính phủ vào cuối năm nay.
An Bình
Tổng hợp