1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật Bản dè chừng trước sức mạnh tên lửa Triều Tiên

(Dân trí) - Những vụ thử tên lửa thành công trong thời gian qua đã đưa Triều Tiên tiến xa hơn trong cuộc chạy đua vũ trang với Nhật Bản, khiến cho Tokyo cảm thấy hoang mang về việc liệu nước này có thể chống đỡ được một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Bình Nhưỡng hay không nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ.

Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng năm 2012 (Ảnh: NPR)
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng năm 2012 (Ảnh: NPR)

“Sự tiến bộ của họ (Triều Tiên) diễn ra nhanh hơn so với dự đoán”, Reuters dẫn lời một chỉ huy quân sự cấp cao của Nhật Bản cho biết. “Hiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của chúng tôi (Nhật Bản) vẫn còn giới hạn chưa đạt được”.

Dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành 21 vụ thử tên lửa đạn đạo từ đầu năm đến nay, một bước tiến chưa từng có của Bình Nhưỡng khiến các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế quan ngại.

Trong khi đó, mãi tới tháng 4 năm nay, quá trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản mới bắt đầu được tiến hành, còn việc triển khai hệ thống mới nhằm đối phó với các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sắp tới của Bình Nhưỡng phải “tiêu tốn” của Tokyo ít nhất vài năm nữa thì mới có thể hoàn thiện.

“Công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang phát triển từng bước, và cứ mỗi khi chúng tôi nâng cao được năng lực của mình thì Triều Tiên cũng cải thiện được năng lực của họ”, một nguồn tin thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho biết.

Do những quy định trong chính sách cũng như chi phí quốc phòng bị khống chế nên Nhật Bản hiện vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Do vậy, Nhật Bản buộc phải dựa vào Mỹ, một đồng minh thân cận lâu năm, để giúp Tokyo phòng thủ trước các cuộc tấn công từ Triều Tiên, nguồn tin nhận định.

“Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là dựa vào Mỹ để ngăn chặn họ”, một nguồn tin khác thuộc SDF cho biết thêm.

Nhật Bản và Triều Tiên bị mắc kẹt trong cuộc chạy đua vũ trang từ năm 1998 khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa về phía lãnh thổ Nhật Bản. Hồi tháng 6 năm nay, một tên lửa Musudan tầm trung do Triều Tiên phóng lên đã đạt độ cao tới 1.000km. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân vượt tầm kiểm soát của Hệ thống phòng thủ tên lửa (BMD) trên tàu khu trục Aegis của Tokyo, vốn đang thực hiện các cuộc tuần tra ở biển Nhật Bản.

Về lâu dài, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Tập đoàn Lockheed Martin, phối hợp cùng hệ thống BMD của nước này để nâng cao năng lực phòng thủ, đối phó với tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nguồn tin quân sự Nhật Bản nói rằng chính phủ Tokyo cần mất ít nhất vài năm để nghiên cứu công nghệ, kêu gọi nguồn vốn, thiết lập và vận hành các hệ thống trên thực địa. Và trong khoảng thời gian đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa của nước này.

Thành Đạt

Tổng hợp