Nhật Bản có thể phải chi 6,42 tỷ USD mỗi năm đối phó kiến lửa độc
(Dân trí) - Những phát hiện gần đây về các tổ kiến lửa đỏ ở cảng biển tại Tokyo đã làm dấy lên mối lo ngại về việc loại sinh vật có độc này có thể tiếp tục sinh sản và lây lan. Giới chuyên gia dự đoán Nhật Bản có thể phải đối mặt với việc phải chi 6,42 tỷ USD/năm để đối phó với loài kiến độc này.
Theo SCMP, loại kiến lửa đỏ nguy hiểm này có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện ra sinh vật này là tại các cảng ở Nagoya, Osaka, Kobe 2 năm trước. Các chuyên gia tin rằng loài sinh vật này xâm nhập vào Nhật Bản từ các cảng ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đông Nam Á.
Sự xuất hiện của các tổ kiến lửa đỏ gần đây tại khu vực cảng ở Tokyo đã tiếp tục làm dấy lên mối quan ngại rằng loài sinh vật nguy hiểm này có thể lan rộng ra khắp nước Nhật Bản và khiến chính phủ nước này có thể phải chi hơn 6 tỷ USD mỗi năm cho việc ngăn kiến lan rộng.
Một con kiến chúa có thể sinh sản ra 1.600 quả trứng mỗi ngày. Loài kiến này có thể dài tới 6 mm và rất hung hăng. Những vết cắn của chúng có thể gây ra hiện tượng sốc phản vệ và trong những trường hợp cực đoan, nọc kiến có thể giết chết trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Bất chấp nỗ lực ngăn cản loài kiến này xâm nhập Nhật Bản, các quan chức môi trường và chính quyền Tokyo xác nhận rằng họ đã tìm thấy một đàn kiến lớn với 50 con kiến chúa ở cảng Tokyo. Ngoài ra, có những đồn đoán cho rằng nạn kiến lửa đỏ đã lây lan ra các vùng khác trên khắp nước Nhật Bản.
“Một khi chúng đã ở đây, rất khó để có thể ngăn chúng lan sang những nơi khác. Việc cần làm lúc này có lẽ là cung cấp thông tin cho công chúng để họ trình báo mỗi khi thấy dấu hiệu khả nghi để chính quyền có thể loại bỏ các đàn kiến trước khi chúng lan ra”, ông Kevin Short, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Khoa học Thông tin Tokyo, cho hay.
Ông Short cũng cảnh báo rằng những con kiến này từ nơi khác tới và sự xuất hiện hung hăng của chúng có thể làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở Nhật Bản khi chưa có loài nào có thể tiêu diệt chúng.
Ngoài hậu quả về mặt sức khỏe, kiến lửa đỏ đã từng là “cơn ác mộng” với người Mỹ những năm 1930. Khi xâm nhập vào Mỹ, chúng di chuyển tới các ngôi nhà và cao ốc, phá hỏng cấu trúc công trình. Chúng được cho có khả năng gây chập điện dẫn đến hỏa hoạn. Loài kiến này phá hoại các công trình viễn thông trong khi tổ của chúng dưới lòng đất khiến mùa màng bị tàn phá.
Ông Short cảnh báo Nhật Bản có thể phải đối mặt với khoản chi phí hàng năm tương đương với Mỹ để ngăn cản vấn nạn kiến lửa đỏ, khoảng 6,42 tỷ USD mỗi năm.
Tại Australia, chính phủ nước này hàng năm cũng phải chi 275 triệu USD để ngăn kiến lửa đỏ không lan rộng.
Một trong những chiến dịch ngăn chặn kiến lửa đỏ hiệu quả nhất là ở New Zealand, khi đàn kiến lửa đỏ lần đầu được phát hiện năm 2006. Chính quyền đã ban lệnh cấm mang đất và cây trong bán kính 2 km kể từ điểm tìm thấy kiến ra khu vực khác. Một số biện pháp quyết liệt khác cũng được thực hiện.
Truyền thông Nhật Bản kêu gọi chính phủ sẽ sớm có động thái mạnh mẽ, dứt khoát để ngăn chặn mối đe dọa từ kiến lửa.
Đức Hoàng
Theo SCMP