Nhật Bản "chơi rắn", Trung Quốc kêu la
Hôm nay 20/4, Tân Hoa Xã có bài bình luận về chương trình biển cơ bản mới công bố của Nhật Bản và cho rằng đây là chương trình “sặc mùi thuốc súng” nhằm chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc.
“Tăng cường tàu tuần tra, máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản và tàu chiến, máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản một cách có kế hoạch, bổ sung nhân lực nhằm đảm bảo cho các hoạt động có thể duy trì liên tục”. Đây là nội dung trích trong “Chương trình biển cơ bản” phiên bản mới sắp được thông qua của Nhật Bản.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đối tượng tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc. |
Ngày 1-4, Cơ quan chính sách hải dương Nhật Bản (đứng đầu là thủ tướng Shinzo Abe) đã công bố đề án Chương trình hải dương cơ bản, theo kế hoạch, sau khi được cuộc họp nội các thông qua trong tháng 4, đề án này sẽ được công bố và thực
Mặc dù khi giới thiệu đề án này, các hãng truyền thông của Nhật Bản tập trung tâm vào vấn đề “Nhật Bản sẽ thương mại hóa băng cháy vào năm 2018”, nhưng chương này cũng được báo chí Nhật Bản đánh giá là “để kiểm soát và hạn chế tàu công vụ của Trung Quốc tuần tra trên đảo Senkaku/Điếu Ngư”. International herald leader cho rằng, mặc dù từ đầu đến cuối, chương trình không nhắc đến từ “Trung Quốc”, nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy tất cả đều nhằm vào Trung Quốc.
'Chương trình biển sặc mùi thuốc súng'
Năm 2007, Nhật Bản công bố và thực hiện Luật hải dương cơ bản, đạo luật này quy định, cứ 5 năm sẽ công bố Chương trình hải dương cơ bản một lần. Chương trình hải dương cơ bản phiên bản đầu tiên được xây dựng vào năm 2008, đây là phiên bản thứ hai. So với phiên bản cũ, phiên bản mới bổ sung thêm các nội dung bảo vệ an ninh trên biển, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an ninh biển.
Phiên bản mới cho biết sẽ “tăng cường cơ chế giám sát trên diện rộng và thường xuyên đối với hải phận xung quanh; Tăng cường thể chế đối phó với các sự kiện lớn ở phương xa”; “Đối với tàu thuyền nước ngoài không có lý do đặc biệt mà dừng lại lâu hoặc lởn vởn trong lãnh hải, sẽ căn cứ vào đạo luật trong nước để xử lý ổn thỏa”. Ngoài ra, “sẽ hoàn thiện cơ chế thu thập tình báo và cảnh báo trên biển, tăng cường thể chế đảm bảo an ninh trên biển”.
Ngoài ra, lần đầu tiên chương trình này còn đề ra vấn đề sẽ tăng cường cảnh sát biển Nhật Bản và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhằm “nâng cao khả năng đối phó với các tàu thuyền gián điệp khả nghi”, đồng thời “tăng cường cơ chế phối hợp giữa Lực lượng phòng vệ và Cảnh sát biển”, “Để nắm bắt hoạt động của tàu thuyền đi lại ở hải vực xung quanh, Nhật Bản sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thống nhất và cung cấp thông tin về hoạt động của các tàu thuyền trực thuộc các cơ quan hành chính, nghiên cứu làm thế nào để sử dụng tốt vệ tinh theo dõi mọi hoạt động trên biển.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thời gian gần đây liên tục diễn tập chiếm đảo và phòng ngự chống đổ bộ. |
Trong vấn đề “truy quét hải tặc”, phiên bản mới cho biết “sẽ xúc tiến đề ra biện pháp đặc biệt, cho phép tàu thuyền mang quốc tịch Nhật Bản sử dụng súng để phòng vệ ở các vùng biển hải tặc lộng hành”, “ngoài việc tiếp tục truy quét hải tặc ở vịnh Eden gần Somali, sẽ truy quét hải tặc ở eo biển Malaca, eo biển Singapore”. Ngoài ra, chương trình còn đề ra “tăng cường an ninh đường biển”, nhấn mạnh “quốc gia sẽ phát triển, bảo vệ và quản lý thống nhất tuyến đường giao thông trên biển, đảm bảo sự an toàn và ổn định cho hoạt động giao thông trên biển”.
Tờ International herald leader cho rằng, chương trình biển phiên bản mới của Nhật Bản sặc mùi thuốc súng vì nó sẽ giúp Nhật Bản từ “quốc gia bị biển bảo vệ” thành “quốc giao bảo vệ biển”, “kiên quyết bảo vệ lãnh hải và các đặc khu kinh tế của mình”.
Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc
Chương trình biển mới nêu rõ: “Để đối phó với các sự vụ trên biển đảo, sẽ bố trí lực lượng giám sát bờ biển ở đảo Yonaguni” , “Để đối phó chặt chẽ với các sự vụ trên quần đảo Nansei, sẽ bố trí lực lượng trên đảo Nansei”, “để thực hiện nhiệm vụ giám sát, cảnh báo đối với khu vực Tây Nam, tăng cường số lượng máy bay cảnh báo sớm trên căn cứ quân sự Naha, đổi mới hệ thống rada cảnh báo trên đảo Miyako, thu tập tình báo và giám sát đối với các khu vực bao gồm cả khu vực Tây Nam”.
Tờ International herald leader cho rằng, những nội dung này không hề nhắc đến tên “Trung Quốc”, nhưng việc Nhật Bản bố trí lực lượng phòng ngự ở đảo Yonaguni, căn cứ quân sự Naha và quần đảo Nansei rõ ràng là nhằm vào đảo Điếu Ngư.
Căn cứ quân sự Naha được mệnh danh là “một trong những khu vực gần nhất để canh giữ đảo Điếu Ngư/Senkaku, cách đảo Điếu Ngư/Senkaku hơn 400 km, chiến cơ F-15 của Nhật Bản cất cánh từ căn cứ Naha và bay sang đảo Điếu Ngư/Senkaku chỉ mất mười mấy phút. Còn đảo Miyako các Đài Bắc khoảng 380 km, cách đảo Điếu Ngư/Senkaku chỉ 180 km, đồng thời là cửa ngõ quan trọng để hải quân PLA đi vào Thái Bình Dương. Những biện pháp bảo vệ mà Chương trình biển mới của Nhật Bản tiết lộ nhằm mục đích chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc.
Sẽ nhúng tay vào các sự vụ trên biển Đông?
International herald leader phân tích, vài năm gần đây, Nhật Bản không ngừng tăng cường lập pháp trong lĩnh vực biển và mục tiêu ngày càng rõ nét nhằm vào “đảo Điếu Ngư/Senkaku” đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Báo chí Nhật Bản không hề né tránh ý độ của Chương trình biển cơ bản. Tờ Yomiuri Shimbun cho biết, kể từ khi “quốc hữu hóa” đảo Senkaku/Điếu Ngư vào năm 2012 trở lại đây, Trung Quốc liên tục có những hành vi khiêu khích, tình hình hải vực xung quanh Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng. Trước những hành động đe dọa liên tiếp của Trung Quốc quanh khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư, Chương trình biển cơ bản phiên bản mới của Nhật Bản sẽ gửi Bắc Kinh tín hiệu mạnh mẽ của thủ tướng Shinzo Abe về việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải.
Ngoài ra, tờ International herald leader cũng lo ngại rằng, Nhật Bản bổ sung các nội dung như “tăng cường bảo vệ hải vực xung quanh và an ninh của các quần đảo cách xa đất liền”, “đảm bảo an ninh của tuyến giao thông trên biển”, “truy quét hải tặc ở eo biển Malaca và eo biển Singapore”, các nội dung này có một giao điểm là biển Đông.
Tờ International herald leader nhận định, có thể Nhật Bản sẽ dùng các khái niệm mơ hồ như “hải vực xung quanh”, “tuyến đường trên biển” để nhúng tay vào các sự vụ trên biển Đông, khiến vấn đề biển Đông ngày càng phức tạp hơn. Chính vì vậy Trung Quốc cần cảnh giác trước Chương trình biển cơ bản phiên bản mới của Nhật Bản.