1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhân tố mới đe dọa khối đoàn kết châu Âu

Làn sóng người di cư từ Trung Đông và các nước Bắc Phi ào ạt và bất ngờ đổ vào các nước châu Âu dần dần đã trở thành nhân tố chia rẽ châu Âu.

Nhân tố mới đe dọa khối đoàn kết châu Âu - 1

Người biểu tình đối đầu với cảnh sát Hungary bên ngoài nhà ga ở Budapest

Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, đây là lần đầu tiên, Liên minh châu Âu đối mặt với vấn đề không được dự báo trước và lẽ dĩ nhiên, cách hành xử của các thành viên Liên minh mỗi nước một khác đã dẫn đến những bất đồng lớn, không dễ vượt qua.

Liên minh châu Âu đang bị “giằng xé” giữa sự đoàn kết và an ninh của mỗi nước, trong bối cảnh chính quyền các nước thành viên Liên minh châu Âu đang chật vật đương đầu với dòng người chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực tại Syria, Afghanistan.

Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hối thúc các nước Liên minh châu Âu mở cửa tiếp nhận người di cư, thì nhiều nhà lãnh đạo khác đặt mục tiêu hàng đầu của họ là kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu để đẩy lùi dòng người di cư, trục xuất những người bị từ chối tị nạn và hỗ trợ tài chính cho các nước thứ ba để giữ người di cư tại đó.

Một vài đối tác của Liên minh châu Âu, do Thủ tướng Hungary Viktor Orban dẫn đầu, buộc tội bà Merkel vì đã thổi bùng làn sóng di cư khi hồi tháng 8/2015, đơn phương quyết định tiếp nhận người di cư từ Syria mà không áp dụng luật tị nạn của châu Âu, mà theo đó, người muốn tị nạn phải nộp đơn xin tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đến.

Theo các quan chức Đức, bà Merkel chỉ đơn giản nhận thấy rằng, thực tế là các luật tị nạn của châu Âu, hiện đang đặt gánh nặng không tưởng lên Hy Lạp và Italy, đã lỗi thời và cần có những phản ứng nhân đạo hơn.

Việc dòng người di cư ồ ạt tràn qua Hungary để đến Đức đã khiến Thủ tướng Orban siết chặt biên giới của nước này với Serbia và Croatia, mở đầu cho chuỗi phản ứng dây chuyền “biến hàng xóm thành kẻ ăn mày” của nhiều chính phủ trong Liên minh châu Âu. Điều này khiến cho hàng chục nghìn người tại các nước Tây Balkan đối mặt với tình trạng vô nhân đạo trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho các đảng cực tả - những đảng kích động mối lo ngại về những người nước ngoài, Hồi giáo và cả chủ nghĩa khủng bố - đang ngày càng tăng ở Pháp, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi sự hội nhập châu Âu ở Anh đang lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để củng cố các luận điểm của họ về việc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Chính phủ các nước Trung và Đông Âu đang phản đối những yêu cầu từ phía Berlin và Brussels về việc chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư. Tại Đức, bà Merkel đang phải đối mặt với áp lực ngày một lớn ngay trong đảng bảo thủ của bà về việc đóng cửa biên giới Đức và hạn chế số lượng người nhập cư. Chính quyền Đức đã cắt giảm hỗ trợ cho những người xin tị nạn và đang đẩy nhanh quá trình trục xuất những người bị từ chối đơn xin tị nạn.

Phát biểu với tổ chức tư vấn Friends of Europe, Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Điều từng là không tưởng trước đây giờ lại có khả năng xảy ra – đó chính là sự tan rã của Liên minh châu Âu”. Những nhà ngoại giao kỳ cựu ở Brussels, những người đã quen với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho rằng, sự ngờ vực lẫn nhau trong Liên minh hiện đã lên đến mức báo động.

Cuộc khủng hoảng người di cư cũng cho thấy những chia rẽ ngay trong các thể chế của Liên minh châu Âu, với việc Ủy ban Châu Âu do ông Jean-Claude lãnh đạo cho rằng, thách thức chủ yếu là vấn đề lo cho cuộc sống của người di cư về lâu dài. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk - cựu Thủ tướng Ba Lan - từng chủ trì nhiều hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lại gọi làn sóng người di cư là một “mối đe dọa” và cần phải được “ngăn chặn” hoặc “kiềm chế”, cụ thể bằng hành động hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để giữ chân người di cư Syria tại đây.

Ông Tusk thẳng thắn bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo có tư tưởng trung tả tại Madrid tuần trước, rằng những người muốn các nước châu Âu chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư trước khi biên giới của Liên minh châu Âu được siết chặt là ngờ nghệch. Ông nói: “Chúng ta không thể tiếp tục không có hành động gì để đổi lấy sự đoàn kết, mở cửa để rồi không giúp gì được cho họ, tự do để rồi dẫn tới hỗn loạn. Tôi đang muốn nói đến tình trạng biên giới của chúng ta. Người dân đang muốn được cảm thấy an toàn như trước đây, bởi chỉ có như vậy họ mới có thể giúp đỡ được những người đang cần giúp đỡ”.

Dòng người di cư tràn vào châu Âu đặt ra những thách thức lớn đối với xã hội các nước châu Âu giàu có nhưng nôn nóng và đang già đi - những nước đang chật vật trong việc thích nghi với sự toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa văn hóa. Cuộc khủng hoảng diễn ra vào đúng thời điểm mà nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động đã chuyển sang ủng hộ phe cực hữu do tức giận trước nạn thất nghiệp, mức sống đi xuống và dòng người nhập cư.

Mặc dù một số nhà lãnh đạo châu Âu mô tả làn sóng di cư chỉ là vấn đề nhất thời và có thể kiềm chế được bằng các biện pháp kiểm soát biên giới tốt hơn, nhưng ông Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng: “Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là cho người dân lầm tưởng rằng nếu chúng ta thực hiện các biện pháp này thì cuộc khủng hoảng sẽ chấm dứt, nhưng nó sẽ không như vậy. Và vấn đề người di cư sẽ song hành với chúng ta thêm một thế hệ nữa”.

Thậm chí nếu có một thỏa thuận hòa bình cho cuộc chiến ở Syria kéo dài bốn năm qua, điều được cho là một viễn cảnh xa vời, thì vấn đề người di cư vẫn sẽ còn tồn tại. Tại cuộc họp của đảng Nhân dân Châu Âu, đảng nắm nhiều ghế nhất trong Nghị viện Châu Âu, Thủ tướng Orban đã nhận được nhiều tiếng vỗ tay khen ngợi khi phản đối chính sách mở cửa của bà Merkel như là “nam châm” thu hút “những người di cư vì lý do kinh tế, người tị nạn và cả những tay súng nước ngoài”. Ông mô tả châu Âu là khu vực “giàu có và yếu kém – một sự pha trộn có thể là nguy hiểm nhất”.

Thủ tướng Orban nói: “Cuộc khủng hoảng người di cư sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chúng ta. Chúng ta đang gặp một rắc rối lớn. Cuộc khủng hoảng người di cư có thể gây bất ổn cho các chính quyền, các quốc gia và cả lục địa châu Âu”.

Sự khác biệt trong chính sách đối với người di cư tại các nước thành viên châu Âu đã dẫn đến những ứng xử mà giới quan sát cho rằng, sẽ là nguyên nhân đẩy nhanh sự rạn nứt của Liên minh châu Âu.

Cách đây không lâu, ngày 28/10, ông Dijsselbloem - người đứng đầu Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurogroup), đã đề xuất cắt một phần khoản tài trợ từ quỹ đoàn kết của Liên minh châu Âu đối với các nước từ chối tiếp nhận người tị nạn, trong đó có Séc, Ba Lan và Hungary. Trước đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng đã đưa ra ý kiến tương tự. Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại bác bỏ biện pháp này, còn Thư ký báo chí Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh rằng, không có một cơ sở pháp lý nào để cắt tài trợ của Liên minh châu Âu vì lý do từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Hồi tháng 9 vừa qua, 28 quốc gia Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc phân chia 160.000 người nhập cư tới Hy Lạp và Italy. Nhưng trên thực tế, chưa có biện pháp nào được triển khai. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức - ông Thomas de Maizière, cần phải đoàn kết trong châu Âu và tái bố trí cho 160.000 người tị nạn. Ông nhấn mạnh, cần phải có cơ chế phân chia thường xuyên người nhập cư để chia sẻ với những nước tuyến đầu. Quan chức Đức nêu rõ, từ nay đến năm 2017, có khoảng 3 triệu người nhập cư tới châu Âu và nếu không đoàn kết, cuộc khủng hoảng người di cư có thể khiến châu Âu ngày càng chia rẽ.

Cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đối mặt không thể giải quyết dứt điểm nếu không có sự tham gia của các nước châu Phi – nơi có đến 75% số người “đổ bộ” vào châu Âu. Do đó, ngày 12/11, tại Valletta (Malta) đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh giữa liên minh châu Âu và châu Phi nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di cư. Hơn 40 nước thuộc hai châu lục đã cử đoàn tham dự, ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế.

Tại hội nghị quan trọng lần này, các nước muốn thông qua một Kế hoạch hành động chung cho những năm tới đây. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho biết, kế hoạch sẽ đề ra các bước đi cụ thể cho các bên thực hiện trong những năm tới.

Ngay trong những giờ họp đầu tiên, đã xuất hiện một bất đồng lớn giữa Liên minh châu Âu và các đại diện châu Phi liên quan đến dự định của Liên minh châu Âu xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba, cụ thể là các nước châu Phi.

Đại diện của Liên minh châu Phi Nkosazana Dlamini-Zuma cho biết, Liên minh châu Phi cùng với nhiều nước châu Phi khác, trong đó có Ai Cập, phản đối kế hoạch này vì trên thực tế, người tị nạn bị giam giữ trong trại và đây là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Bà nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân nhất của nạn xâm hại tình dục và buôn người. Bà Nkosazana Dlamini-Zuma cũng cảnh báo các trung tâm này có thể trở thành nơi nuôi dưỡng những phần tử khủng bố và cực đoan, và như vậy, sẽ chỉ đào sâu hơn vấn đề các bên đang muốn giải quyết. Bất đồng này hiện vẫn đang được tiếp tục thảo luận.

Tuy nhiên, đại diện Liên minh châu Âu và châu Phi cũng đi đến được một số nhất trí về mặt nguyên tắc. Các bên tham gia hội nghị đều khẳng định rằng, vấn đề di cư chỉ thể có được giải quyết thông qua nỗ lực chung giữa Liên minh châu Âu và các nước châu Phi. Hội nghị Malta sẽ xây dựng nên các bước đi cụ thể được triển khai tại Liên minh châu Âu cũng như tại các nước châu Phi để đấu tranh với cuộc khủng hoảng người di cư.

Liên minh châu Âu kỳ vọng, giải quyết được cuộc khủng hoảng di cư ở cấp độ nào đó sẽ góp phần tăng cường đoàn kết nội khối và trực tiếp chặn đứng nguy cơ tan rã Liên minh vì một nguyên nhân hoàn toàn mang tính “ngoại nhập”./.

Theo Tô Chu

Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhân tố mới đe dọa khối đoàn kết châu Âu - 2