1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhân tố làm thay đổi cuộc chơi của Mỹ ở Syria

Chỉ trong vòng 3 tuần không kích chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria, Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này ở Trung Đông.

 


Binh sĩ quân đội Syria tuần tra gần sân bay quân sự Kweyris, tỉnh Aleppo ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ quân đội Syria tuần tra gần sân bay quân sự Kweyris, tỉnh Aleppo ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng trăm cứ điểm quan trọng, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí của IS đã bị phá hủy, hàng trăm tay súng IS bị tiêu diệt, nhiều chiến binh của tổ chức này phải rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ.

Chỉ với thời gian ngắn và gần 500 đợt không kích liên tục cả ngày lẫn đêm, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân hùng hậu gồm hàng chục quốc gia đã không thể làm được trong một năm qua.

Sự đảo ngược tình thế nhanh chóng này tại Trung Đông đã khiến cho Mỹ và phương Tây hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Chiến dịch không kích chống IS của Mỹ và các đồng minh phương Tây bị lu mờ.

Dù Lầu Năm Góc khẳng định chiến dịch ném bom của Nga để hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không thay thế được sứ mệnh quân sự riêng của liên minh do Mỹ đứng đầu, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của Moskva đã buộc quân đội Mỹ phải thích nghi với không gian chiến trường mới, bất ngờ và phức tạp hơn.

Việc Nga triển khai quân sự tại Syria mà không có sự đồng bộ với liên minh của Mỹ đã làm nảy sinh những nguy cơ không nhỏ đối với hoạt động phối hợp tác chiến giữa không quân và các đơn vị khác.

Nhờ chiến dịch không kích chống IS của không quân Nga, chính quyền Syria đã có thể "rảnh tay" hơn trong cuộc chiến chống các nhóm đối lập. Những tuần qua, quân đội Syria liên tiếp chiến thắng trên chiến trường và giành lại ít nhất 4 tỉnh, gồm Homs và Hama ở miền Trung, tỉnh Aleppo ở miền Bắc và tỉnh duyên hải miền Tây Latakia.

Lo sợ cho sự thất thế của lực lượng đối lập, Mỹ đã vội vàng công khai lập cầu hàng không để tiếp tế vũ khí cho lực lượng này thay vì chỉ âm thầm tuồn vũ khí và huấn luyện các tay súng đối lập.

Điều mà Mỹ lo ngại là khả năng Nga sẽ mở rộng chiến dịch không kích sang lãnh thổ Iraq, nếu được chính quyền Baghdad "bật đèn xanh".

Kịch bản hoàn toàn có khả năng xảy ra do chính phủ Iraq nhiều lần tỏ ra nghi ngờ những nỗ lực của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống IS – lực lượng hiện đang nắm quyền kiểm soát 1/3 vùng lãnh thổ Iraq. Baghdad cho rằng các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu đã không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.

Trước những diễn biến mới trên chiến trường Syria, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã kêu gọi Mỹ mở rộng quy mô cuộc can thiệp, thiết lập vùng an toàn cho người Syria và các phần tử đối lập “ôn hòa”, thậm chí xem xét việc điều động quân đội.

Ông đã viết trong một bài bình luận rằng: “Chúng ta không nên loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ có thể đóng vai trò có giới hạn trong tác chiến trên bộ”. Ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton cũng nhắc lại lời kêu gọi của ông McCain về một vùng cấm bay trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ tuần này.

 


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại cuộc gặp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại cuộc gặp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp vị thế ngày càng tăng của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, Mỹ vẫn nhất định không hợp tác với Nga, thậm chí còn tuyên bố sẽ giới hạn các cuộc thảo luận với Nga xuống mức cơ bản và kỹ thuật nhằm đảm bảo hai bên không đụng độ trên bầu trời Syria.

Theo các chuyên gia, chiến dịch không kích của Nga ở Syria có thể khiến mối quan hệ Nga – Mỹ, vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày càng trở nên căng thẳng.

Chuyên gia về Trung Đông James Phillips thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation cho rằng sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ-Nga có thể dẫn đến việc Washington tiếp tục gia tăng áp lực lên Tổng thống V.Putin.

Tuy rất thận trọng và luôn cố tránh triển khai quân sự, song Tổng thống Barack Obama có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy, đồng thời siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trong khi Mỹ và phương Tây liên tục chỉ trích các cuộc không kích của Nga thì ngày càng nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông thừa nhận rằng cuộc chiến chống IS của Nga đang phát huy hiệu quả và những nỗ lực chống IS của Washington chỉ nhằm mục đích mượn tay khủng bố để lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Assad. Rõ ràng, sự can thiệp quân sự của Nga đang trở thành nhân tố quan trọng làm thay đổi cuộc chơi của Mỹ ở Syria.

Theo Trần Thanh Bình

Báo tin tức/TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm