Mỹ có thực sự đang yếu thế tại Syria?
(Dân trí) - Trong khi tại Syria, lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn đang tơi tả vì bị chiến đấu cơ Nga oanh tạc, Mỹ vẫn đang loay hoay chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng để cạnh tranh với vai trò ngày càng lên của Mátxcơva tại khu vực.
Trung Đông từ lâu vẫn được xem là “sân nhà” của Mỹ với lực lượng đồng minh rải rộng khắp từ Isreal - đồng minh ngoài NATO của Mỹ, tới khu vực vùng Vịnh giàu có với các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh - GCC. Lực lượng binh lính Mỹ đồn trú tại khu vực này là gần 20.000, tuy nhiên, trong những ngày qua, giới chỉ trích cho rằng phản ứng của Washington trước chiến dịch không kích của Nga tại Syria là “yếu ớt” và rằng “độ tín nhiệm” của Mỹ đang bị thách thức. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brezinski thậm chí còn hối thúc Nhà Trắng cần “khôi phục lại sự răn đe” với Nga vì theo ông, lực lượng Nga tại Syria “rất dễ bị tổn thương, xét trên góc độ địa lý”.
Rõ ràng hành động quyết đoán của Nga tại Syria đã đe dọa tới “sự tín nhiệm” của Mỹ trong mắt các đồng minh. Theo lý thuyết, nếu Mỹ không có câu trả lời thích đáng trước các thách thức tại Trung Đông, các đối thủ của Washington sẽ có xu hướng tiếp tục đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới. Đó là lối tư duy của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, có từ Chiến tranh Việt Nam, nơi Mỹ đã đổ nhiều tiền của và nhân lực hòng trấn an đồng minh ngăn chặn “làn sóng Đỏ”.
Tuy nhiên, logic này đã cho thấy nó không đúng. Nga hiện không đe dọa bất kỳ đồng minh nào của Mỹ tại Trung Đông như Israel hay các nước GCC. Hơn nữa, Mátxcơva không hề có ý định lao vào một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ hay đồng minh của nước này.
Lý giải động cơ của Nga trong việc can dự vào Syria, đó là cách mà Mátxcơva đối phó với kế hoạch NATO mở rộng về phía Đông. Trước khi Nga mở chiến dịch không kích tại Syria 3 tháng, Lầu Năm Góc đã thông báo sẽ điều tới khu vực Baltic hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và pháo hạng nặng. Đây là đợt bố trí lực lượng lớn nhất mà NATO từng triển khai tới khu vực này kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Lý do là để trấn an các đồng minh trước “mối đe dọa” đến từ Nga qua trường hợp của Ukraine.
Do vậy, có thể xem sự can dự của Nga vào Syria như một sự tự vệ vì Mátxcơva ít có khả năng muốn tấn công vào các lợi ích của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới.
Theo một số chuyên gia, có một cách để buộc Nga xuống thang tại Syria đó là trang bị cho quân đội Ukraine vũ khí hòng đe dọa sườn phía Tây của Nga. Phản ứng tức thì của Nga sẽ là gia tăng hậu thuẫn cho lực lượng ly khai, qua đó, buộc Mátxcơva phải đồng thời tăng lực lượng trên cả hai chiến trường. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình và chắc hẳn nhiều đồng minh của Mỹ sẽ khó chấp nhận.
Ý định tấn công trực tiếp vào các cơ sở quân sự, tài sản của Nga chắn hẳn là một sự tự sát. Vì nếu Nga biết rằng đó là cuộc tấn công do Mỹ và đồng minh tiến hành, Mátxcơva sẽ đáp trả bằng cách đánh vào lực lượng Mỹ, NATO, có thể là bắt đầu từ Đông Âu. Trong khi một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 là điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng muốn tránh.
Xuất phát từ những nhận định trên, có thể thấy rằng các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đang có những cách phản ứng rất khôn ngoan trước động thái của Nga tại Syria. Báo chí gần đây đưa nhiều về tính hiệu quả và sức hủy diệt của các loại vũ khí Nga trong chiến dịch không kích. Tuy nhiên, thực tế, Nga vẫn chưa thể khôi phục được sức mạnh quân sự gần với thời kỳ của Liên Xô cũ. Kinh tế Nga dù không lâm vào khủng hoảng song cũng đã bị tác động rất mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Và như Tổng thống Obama từng cho rằng việc Nga tiến vào Syria “là vì muốn thoát khỏi thế yếu chứ không phải đến trong sức mạnh”.
Bước tiếp theo là Mỹ tạm ngưng việc huấn luyện cho phe đối lập “ôn hòa” tại Syria. Song vẫn không quên tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tới khu vực. Hôm 20/10, Mỹ đã điều 12 máy bay diệt tăng A-10 căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, trong tháng 9, Mỹ đã bắt đầu nâng cấp căn cứ không quân này để có thể tiếp nhận được 2.500 binh sĩ. Một căn cứ khác là Diyarbakır cũng ghi nhận hoạt động trinh sát của máy bay trực thăng Mỹ và sẵn sàng sang có mặt tại Syria chỉ sau 20 phút nếu có sự cố.
Để tránh xung đột, Mỹ xúc tiến nhanh việc đàm phán và ký kết thành công vào hôm 20/10 Bản ghi nhớ với Nga về việc thiết lập an toàn bay của phi công hai nước trong chiến dịch không kích tại Syria. Theo đó, sẽ tránh được khả năng xảy ra va chạm mà rất dễ dẫn tới các hậu quả xung đột quân sự không mong muốn.
Như vậy, rõ ràng việc can dự sâu vào cuộc xung đột Syria thực ra không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Nếu không Washington đã có hành động quyết đoán ngay từ năm 2012, khi mà chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad được cho là đã vượt qua “ranh giới đỏ” mà ông Obama từng tuyên bố khi sử dụng vũ khí hóa học. Do vậy, ưu tiên của Mỹ tới nay vẫn là tránh xung đột với Nga và tránh để tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách thúc đẩy một giải pháp chính trị để thể hiện trách nhiệm cường quốc của mình.
Vũ Anh