1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà Trắng mở quốc yến đãi Thủ tướng Đức

(Dân trí) - Bà Merkel đã nhiều lần công du Mỹ kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức 6 năm trước, nhẹ nhàng đến để hội đàm với tổng thống Mỹ hoặc dự các hội nghị quốc tế. Nhưng lần này bà sẽ được đón tiếp hoàn toàn khác khi có chuyến công du chính thức Washington.

 
Nhà Trắng mở quốc yến đãi Thủ tướng Đức - 1
Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Merkel đi ăn tối tại một nhà hàng ở Washington tối qua.

Chuyến công du chính thức của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ bắt đầu với 19 phát súng chào mừng trong lễ đón chính thức tại Bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng hôm nay. Chương trình nghị sự ngày 7/6 sẽ kết thúc với quốc yến chiêu đãi nhà lãnh đạo nước ngoài mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “một đối tác tin cậy”.

Chuyến thăm của bà Merkel được xem là “chính thức” vì bà là người đứng đầu chính phủ Đức chứ không phải nguyên thủ quốc gia - trường hợp được gọi là chuyến thăm cấp nhà nước. Nhưng cả hai sự kiện này đều được tổ chức long trọng như nhau. Điều khác biệt duy nhất là số phát súng chào mừng: lễ đón nguyên thủ quốc gia sẽ có 21 phát súng.

Bất kể tên gọi chuyến thăm này là gì, bà Merkel vẫn là vị khách đặc biệt. Những chuyến thăm như thế, với nghi thức đón tiếp hoành tráng, là một vinh dự mà Mỹ thường dành cho những người bạn và đồng minh thân thiết.

Bà Merkel cũng là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên nhận được tiếp đón long trọng như vậy từ Tổng thống Obama kể từ khi lên nắm quyền. Nhà Trắng cho hay đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác thân thiết mà hai nhà lãnh đạo đã xây dựng trong 2 năm rưỡi qua.

Trước đó, Tổng thống Obama mới dành sự tiếp đón long trọng như vậy cho các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc.

Heather Conley, một học giả về châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu chính sách và quốc tế Mỹ, cho hay nghi lễ đón tiếp của Nhà Trắng cho thấy vai trò quan trọng ngày càng tăng của Đức trong các vấn đề quốc tế, từ kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đến tiến trình hoà bình Trung Đông và cuộc chiến tại Afghanistan. Đức đã ủng hộ Mỹ bằng việc gửi hàng nghìn binh sĩ tới Afghanistan nhưng không tham gia chiến dịch không kích của liên quân tại Libya.

“Đức là một đối tác chủ chốt và tôi nghĩ nghi lễ đón tiếp này là một cử chỉ quan trọng”, bà Conley nhận định.

Ông Obama và bà Merkel đã có sự khởi đầu sóng gió khi bà từ chối cho phép ông Obama, trong chiến tranh cử tổng thống năm 2008, phát biểu trước cổng Brandenburg, biểu tượng nổi tiếng thời Chiến Tranh Lạnh nơi các Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Ronald Reagan từng có bài phát biểu.

Một năm sau, ông Obama "trả đũa" bằng cách từ chối lời mời của bà Merkel tới dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.

Mặc dù ông Obama đã tới Đức 2 lần kể từ nhậm chức nhưng ông chưa có chuyến thăm chính thức Berlin. Ông đã bỏ qua Đức trong chuyến thăm châu Âu 4 nước hồi tháng trước và báo chí địa phương cho rằng bà Merkel coi đó là một sự lạnh nhạt. Tuy nhiên, các trợ lý của bà khẳng định không phải vậy.

Đắc cử năm 2005, bà Merkel là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Đông Đức đầu tiên trở thành thủ tướng của một nước Đức thống nhất.

Trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ trao cho bà Merkel Huân chương Tự do mà ông đã công bố trao tặng cho bà hồi năm ngoái nhưng chưa có dịp trao tận tay.

Lần gần đây nhất Nhà Trắng tổ chức quốc yến thết đãi một nhà lãnh đạo Đức là vào tháng 2/1995 dành cho Thủ tướng Đức Helmut Kohl.

An Bình
Theo AP