1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà ngoại giao "Tây" nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ

(Dân trí) - Tôi nhớ những con đường của Hà Nội nồng nàn mùi hoa sữa. Tôi nhớ cảnh đạp xe trên những con phố thênh thang và xung quanh mọi người đều đạp xe giống mình... Hà Nội là tình yêu của tôi, là nơi tôi sinh sống và làm việc lâu nhất.


Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (Ảnh: Mạnh Thắng)

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (Ảnh: Mạnh Thắng)

Đó là những ký ức của Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama về Hà Nội vào những năm đầu thập niên 80, khi chàng thanh niên 19 tuổi lần đầu đặt chân tới Việt Nam.

Việt Nam luôn trong tim từ năm 12 tuổi

Trong cuộc trò chuyện tại văn phòng đại sứ quán Palestine, Đại sứ Salama chia sẻ rằng một người từ Palestine xa xôi tới Việt Nam vào thời điểm việc đi lại chưa dễ dàng như ngày này không phải là chuyện bình thường, mà đó là một cái duyên.

“Từ khi còn nhỏ, năm 12 tuổi, tôi đã chú ý theo dõi thời sự và đọc rất nhiều tin tức về Việt Nam. Tôi đã xem thông tin về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và tôi rất ngưỡng mộ đất nước các bạn. Vì vậy, tình cảm dành cho Việt Nam đã có trong tim từ khi tôi mới 12 tuổi”, nhà ngoại giao Palestine kể lại.

Nhưng ông Salama chưa từng nghĩ có một ngày sẽ sang Việt Nam học tập và làm việc trong một thời gian dài.

Sau khi tốt nghiệp trung học, chàng trai trẻ Saadi Salama đã tham gia cách mạng Palestine. Khi được biết Tổ chức Giải phóng Palesinte (PLO) có học bổng đi học tại Việt Nam, Salama quyết định tới Việt Nam dù ông có những sự lựa chọn khác như đi du học ở Romania hoặc Italia.

“Xuất phát từ tình cảm đó, tôi đã quyết định sang Việt Nam, dù sự hiểu biết về đất nước hình chữ S khi đó chỉ nằm trong khuôn khổ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Cho tới bây giờ, kể từ khi quyết định, tôi không hề có cảm giác ân hận mà còn rất tự hào vì đã có sự lựa chọn tuyệt vời”.

Thành thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ

Khi sang Việt Nam lần đầu tiên trên chuyến bay quá cảnh ở Moscow, ông Salama ngồi cạnh các hành khách Việt. “Tôi nghe những người Việt nói chuyện với nhau và tôi nhận thấy tiếng Việt khá khó. Tôi tôi từng nghi ngờ về khả năng học tiếng Việt của mình và đó là một thử thách lớn”.

Đại sứ Salama đến Việt Nam ngày 14/10/1980 và học tiếng Việt ngay lập tức sau khi đến Hà Nội.

Ông Salama vẫn còn nhớ như in những ngày học tập tại khoa Tiếng Việt thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Việt Nam. “Trong thời gian 4 năm học ở đó, tôi cũng vào khoa Sử học để tìm hiểu thêm về Việt Nam và đặc biệt về lịch sử hiện đại của Việt Nam. Tôi rất quan tâm tới vấn đề đoàn kết dân tộc và nhận thấy kinh nghiệm này có thể được áp dụng với các quốc gia khác. Suốt thời gian học tập tại đó, tôi đã sống trong một môi trường dạt dào tình cảm và tình hữu nghị, tình bạn của nhiều người Việt Nam”.

Nhà ngoại giao "Tây" kể chuyện học tiếng Việt

Đại sứ Salama cho hay việc học tiếng Việt của ông ban đầu quả thật không dễ, nhưng cụm từ ông thường được nghe lúc đó là “cố gắng, cố gắng và cố gắng”. Là một thành viên của cách mạng Palestine sang Việt Nam học tập, ông hiểu rằng không có con đường nào khác là phải cố gắng hết sức mình để học và hiểu tiếng Việt. Ông cho rằng để hiểu rõ một dân tộc nào đó trên thế giới thì điều quan trọng là phải hiểu rõ ngôn ngữ. Khi thành thạo ngôn ngữ mới có thể tìm hiểu sâu về văn hóa, phong tục, lịch sử...

“Sự cố gắng đã giúp tôi thành thạo tiếng Việt như các bạn thấy hôm nay. Đây là một niềm tự hào của tôi. Tôi thấy vui khi là một trong số những người Palestine đầu tiên có thể nói được tiếng Việt, và cũng là một trong số ít nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam có thể nói thành thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ”, Đại sứ Salama tâm sự.

Những đứa con mang 2 dòng máu Palestine - Việt Nam

Cho tới nay, Đại sứ Salama đã gắn bó với Việt Nam 36 năm. Trong 36 năm đó, ông đã sống ở Việt Nam trong 3 khoảng thời gian khác nhau. Sau khi kết thúc 4 năm du học (1980-1984), ông rời Việt Nam tới Lào công tác. Sau đó ông quay lại Việt Nam làm việc 3 năm trên cương vị nhà ngoại giao, trước khi tới công tác ở các nước khác. Đến năm 2009, ông Salama trở lại Việt Nam trên cương vị đại sứ Palestine.

Đại sứ Salama chia sẻ, ông có vô vàn kỷ niệm đẹp về Việt Nam, mà ngồi hàng giờ cũng không kể hết. Có một chuyến đi thực tế diễn ra hơn 30 năm trước nhưng ông mãi không quên cho tới tận bây giờ.

“Năm 1982, nhà trường cho các sinh viên đi thăm nông trường Sông Lô. Tôi đã tiếp xúc với các nông dân Việt Nam và nhận thấy họ có lòng yêu nước sâu đậm. Khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ như người thân trong gia đình mình. Sự hiếu khách của họ khiến chúng tôi có ấn tượng vô cùng tuyệt vời về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, tôi cảm thấy Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình”, nhà ngoại giao Palestine chia sẻ.

Và tình yêu đã nảy nở rồi “đơm hoa kết trái” trên quê hương thứ 2 này. Ông Salama đã dành tình cảm sâu đậm cho một cô gái Hà Nội và 4 người con là những “trái ngọt” cho hôn nhân của họ.

“Tôi luôn luôn tự hào về gia đình. Tôi có 4 người con thành đạt. Chúng mang hai dòng máu Palestine - Việt Nam, là sợi dây kết nối giữa hai nước. Đó là niềm tự hào. Hai đất nước nằm hai bờ biển khác nhau - một bên Địa Trung Hải, một bên Biển Đông, cùng trải qua nhiều năm đấu tranh giành độc lập, có tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc rất cao. Tôi rất mừng khi các con thành đạt và đang gặt hái những thành công cho cả Việt Nam và Palestine”, Đại sứ Salama nói.

Đại sứ Salama tin rằng các con ông sẽ đóng vai trò trong tương lai để trở thành cây cầu hữu nghị kết nối hai đất nước. “Tôi có một gia đình toàn cầu. Các con có thể nói thành thạo 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Ả-rập, Anh, Pháp. Hai đứa còn biết tiếng Tây Ban Nha và 2 đứa biết tiếng Italia. Nhưng dù đi đâu, chúng cũng luôn tự hào về quốc tịch Palestine và Việt Nam”.

Việt Nam có thể trở thành điểm du lịch số 1 ở Đông Nam Á


Đại sứ Salama bên bức ảnh của cố chủ tịch Yasser Arafat (Ảnh: Mạnh Thắng)

Đại sứ Salama bên bức ảnh của cố chủ tịch Yasser Arafat (Ảnh: Mạnh Thắng)

Qua những câu chuyện chia sẻ, nhà ngoại giao Palestine luôn cho thấy tình yêu sâu đậm mà ông dành cho dải đất hình chữ S.

“Khi tôi đi lại, tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người, tôi không hề có cảm giác là người nước ngoài, mà cảm thấy như một người Việt Nam thực thụ. Kiến thức của tôi phần lớn hình thành trên đất nước Việt Nam này, nên sự hiểu biết của tôi về văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lịch sử... khá phong phú. Nhiều người Việt Nam khi tôi nói chuyện cũng không hiểu rõ về lịch sử Việt Nam bằng một người nước ngoài như tôi”.

“Hà Nội là tình yêu của tôi, là nơi tôi từng sinh sống và làm việc lâu nhất - gần 14 năm. Khi tôi mới đến, phương tiện đi lại phổ biến ngày đó là xe đạp rồi sau mới có xe máy. Cuộc sống khi đó rất thanh bình, không có nhiều vấn đề. Khi đi trên đường phố vào dịp mùa thu bạn sẽ ngửi thấy mùi hoa sữa nồng nàn, cảm giác như đi giữa vườn hoa rất thơm”, Đại sứ hồi tưởng.

Là nhà ngoại giao và có cơ hội đi nhiều nơi, ông Salama nhận xét rằng Việt Nam có an ninh và an toàn xã hội rất tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất trong số các quốc gia trong khu vực. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đất nước Việt Nam rất thanh bình. Ông cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm du lịch số 1 ở Đông Nam Á.

“Việt Nam có nhiều bờ biển đẹp, các di sản, di tích văn hóa nổi tiếng. Người Việt Nam chân thành, hiếu khách. Việt Nam có nhiều lợi thế mà không phải nước nào ở Đông Nam Á cũng có được. Du lịch là một ngành không đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng có thể giúp nhiều gia đình Việt Nam có thêm thu nhập”.

Đại sứ Salama cho biết, mỗi khi có bạn bè từ khắp nơi tới thăm, điều đầu tiên ông giới thiệu với họ về Việt Nam là ẩm thực. Nhiều người chỉ biết tới Việt Nam nhờ chiến tranh, không biết về một Việt Nam hiện đại. “Vì thế, bạn muốn họ hiểu và thay đổi quan điểm về người Việt Nam thì trước tiên cần cho họ biết về ẩm thực, với những món ăn ngon như phở, bún chả, chả cá…”, ông chia sẻ.

Nhà ngoại giao Palestine tâm sự vì ông luôn cảm nhận mình là một người Việt Nam nên đôi khi ông chia sẻ những điều vượt quá cương vị của một vị đại sứ. Theo ông, có những vấn đề cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân Việt Nam cần chủ động, góp sức vào việc xây dựng đất nước, như phong trào làm sạch biển để môi trường trở nên xanh sạch.

Nói về mơ ước trong tương lai, Đại sứ Salama nói ông khao khát hòa bình và độc lập cho người dân Palestine. “Khi có hòa bình và độc lập, Palestine có thể phát triển rất nhanh. Người dân chỉ cần tập trung vào du lịch là sẽ có thu nhập rất cao. Palestine cũng có thể trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thế giới Ả-rập”.

Đại sứ Salama nói thêm, một trong những điều ông vui nhất khi làm việc tại Việt Nam là có nhiều bạn bè và đi đâu cũng được đón tiếp với tình cảm đặc biệt. Ông cũng tiết lộ rằng đang viết một cuốn sách về Việt Nam, hi vọng cuốn sách sẽ được xuất bản vào năm 2017.

An Bình - Mạnh Thắng

(Thực hiện)