Nhà máy điện hạt nhân Iran chính thức vận hành sau 36 năm
(Dân trí) - Iran hôm qua chính thức khởi động nhà máy điện hạt nhân Bushehr, kết thúc cuộc marathon dai dẳng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran - một quá trình xây dựng kéo dài suốt 36 năm.
Không ngẫu nhiên mà nhà máy điện hạt nhân Bushehr được gọi là chủ thể độc đáo, chưa từng có gì tương tự trên thế giới.
Thoạt đầu, cơ sở này được công ty Đức xây dựng vào năm 1975. Tuy nhiên, do cuộc cách mạng năm 1979 tại Iran và cuộc chiến Iran-Iraq nổ ra ngay sau đó, mọi công việc phải dừng lại, rồi hợp đồng bị hủy.
Năm 1995, một thỏa thuận về việc hoàn thành dự án với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga đã được kí kết. Sau đó, theo dự kiến, năm 1999 nhà máy điện sẽ bắt đầu hoạt động. Nhưng vì những lý do khác nhau, các điều khoản xây dựng và thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân lần lượt bị hoãn lại. Nhà máy đã được khởi động vào năm ngoái.
Nhà máy điện hạt nhân mới hiện thời chưa đạt đến công suất tổng thể là 1.000 MW. Dự kiến sẽ tiến đến mốc đó sau chừng 2-3 tháng tới, còn bây giờ nhà máy hoạt động ở mức 40% công suất.
Sau khi đi vào hoạt động, trong một vài năm nữa, nhà máy điện hạt nhân Bushehr vẫn nằm trong diện theo dõi bảo hành của các chuyên viên năng lượng nguyên tử Nga. Theo ý tưởng của cả hai bên, dần dần thị phần của Nga trong xí nghiệp và con số chuyên gia Nga tham gia vận hành nhà máy sẽ giảm bớt.
Trong vòng 2-3 năm, mọi khâu quản lý điều hành nhà máy sẽ được chuyển giao cho các nhà khoa học hạt nhân của Iran. Ngay khi phía Iran tỏ ra sẵn sàng chịu trách nhiệm về hoạt động của chủ thể điện hạt nhân này, nhà máy Bushehr sẽ được bàn giao hoàn toàn cho nước chủ nhà.
Nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân ở Iran sẽ do phía Nga cung cấp. Khi nhiên liệu phục hết thời hạn, theo quy định của thỏa thuận đã ký kết, phế liệu sẽ được gửi trở lại Nga.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr không có gì khác biệt so với hàng trăm nhà máy hạt nhân khác trên thế giới. Chỉ có thể sử dụng nhà máy điện này vào mục đích hòa bình.
Ông Sergei Pikin, giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga không loại trừ rằng Iran muốn xây dựng thêm một số lò phản ứng khác nữa. Và nếu có cơ hội xuất hiện, Nga sẽ tiếp tục tham gia dự án này.
Các nước phương Tây vẫn lo ngại Iran sẽ dùng hạt nhân vào sản xuất vũ khí.
Trong phát biểu nhân kỷ niệm 10 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanmyhu cho rằng chương trình hạt nhân của Iran “vẫn là một mối đe doạ kinh hoàng đối với an ninh toàn cầu”.
Tuy nhiên, cùng lúc, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi tuyên bố Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc trên thế giới.