1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhà báo Nhật Bản: Việt Nam quá đỗi anh hùng

Nhà báo Murano Hiroshi mong rằng những người dân Việt Nam đã trải qua chiến tranh sẽ luôn tự hào mình là người Việt Nam.

Nhân dịp cả nước tưng bừng mừng 40 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Đài TNVN tại Tokyo, Nhật Bản đã phỏng vấn nhà báo Murano Hiroshi về những suy nghĩ của ông về chiến tranh Việt Nam. Ông từng là lãnh đạo cao cấp của báo Asahi-một trong những tờ báo hàng đầu của Nhật Bản. Ông cũng là người đã từng chấp bút phản ánh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Nhật Bản.
 
Nhà báo Nhật Bản: Việt Nam quá đỗi anh hùng
Nhà báo Murano Hiroshi đã từng chấp bút phản ánh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Nhật Bản

PV: Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa 40 năm, với ông ông có cảm nhận như thế nào về thời kỳ chiến tranh Việt Nam

Nhà báo Murano Hiroshi: Thế hệ những người như tôi sống trong thời kỳ chiến tranh, tuy không trực tiếp chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ của các bạn, nhưng với tôi trước hết là sự khâm phục. Khâm phục sức bền bỉ, ý chí sắt đá của mỗi người dân Việt nam, quyết tâm giành độc lập hướng tới xây dựng một cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Hôm 1/4 vừa qua tôi có được xem một bộ phim tài liệu mang tên Hearts and Minds (tạm dịch là Trái tim và lý trí ) về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Peter Davis. Bộ phim được giải thưởng Oscar cho phim tài liệu hay nhất vào năm 1975 đúng vào năm chiến tranh Việt Nam kết thúc. Qua bộ phim tôi thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, nỗi đau đớn của người dân Việt Nam, và có lẽ cả những người lính Mỹ không muốn ra trận đã phải chịu đựng. Nước Mỹ đã nhân danh tự do của Đông Dương vì một nước Mỹ hùng mạnh mà quên mất đi những mong mỏi chính đáng của con người trong đó có cả những người công dân của chính đất nước họ.

Những hình ảnh tra tấn, giết chóc được thể hiện sinh động và chân thực, mà người bị hại là những người dân vô tội, những trẻ em vừa tuổi đến trường, những cụ già yếu đuối. Nhưng từ nỗi đau đó, người dân Việt Nam đã chiến thắng, giành độc lập, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Tôi nghĩ Việt Nam quá đỗi anh hùng.
Nhà báo Nhật Bản: Việt Nam quá đỗi anh hùng
Poster bộ phim tài liệu mang tên Hearts and Minds về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn người Mỹ Peter Davis. (Ảnh: INT)

PV: Trong thắng lợi vĩ đại đó, Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Nhật Bản. Ở Nhật Bản thời kỳ đó cũng đã có phong trào phải đối chiến tranh Việt Nam. Trong ký ức của ông, khí thế phong trào đó như thế nào?

Nhà báo Murano Hiroshi: Thực ra đó tôi mới là một chàng thanh niên ở độ tuổi ngoài 30 và sống trong thời kỳ đất nước Nhật Bản đã phát triển mạnh về kinh tế. Với tư cách là nhà báo, tôi cũng đã hiểu được một phần về bản chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi không có cơ hội hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam trong thời gian đó, song phong trào phải đối chiến tranh, ủng hộ người dân Việt Nam thực sự sôi nổi. Chính tôi từng chấp bút viết về không khí thời đó. Nếu tôi nhớ không lầm thì còn có cả phong trào quyên góp tiền ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Trong lịch sử quan hệ hai nước, từ xưa đã có những mối lương duyên hết sức tốt đẹp. Hơn thế nữa, Nhật Bản cũng trải qua chiến tranh, cũng phải chịu những nỗi đau và sự mất mát lớn. Chính vì vậy, trong thời kỳ đó, nhiều người dân Nhật Bản tham gia rất tích cực vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Đối với tôi đó là một việc làm cần thiết đối với mỗi người dân yêu chuộng hòa bình

PV: Chiến tranh đã kết thúc, nhưng có lẽ với một số người thì vết thương lòng vẫn còn đó. Theo ông, Mỹ cần có trách nhiệm như thế nào đối với những vết thương tinh thần đó?

Nhà báo Murano Hiroshi: Đó là chuyện thuộc trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Tôi nghe được rằng Việt Nam các bạn “tạm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhân dân Mỹ. Bởi các bạn đã rất đúng khi nghĩ rằng, trách nhiệm đó chỉ thuộc về 1 số người chứ không phải bởi nhân dân Mỹ, không thuộc những lính Mỹ bị ép ra trận. Các bạn có một tấm lòng vị tha rất lớn. Điều này chính phủ Mỹ sẽ phải tự phán xét và có những hành động thích hợp.

Tôi mong rằng những người dân Việt Nam đã trải qua chiến tranh sẽ sống thanh thản và luôn tự hào bởi mình là người Việt Nam.

PV: Ông đã từng tới Việt Nam, ông cảm nhận thế nào về Việt Nam ngày nay?

Nhà báo Murano Hiroshi: Tôi đã từng tới Việt Nam với tư cách là lãnh đạo của báo Asahi, mong muốn hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành báo chí Việt Nam. Việt Nam đang thay đổi từng ngày, tuy còn chưa trở thành đất nước giàu có, nhưng đã đạt được những thành quả đáng trân trọng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều công ty lớn của Nhật Bản chúng tôi đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam, coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
Quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản đang rất tốt đẹp. (Ảnh:
Quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản đang rất tốt đẹp. (Ảnh: RareMetalBlog.com)

Quan hệ hai nước cũng rất tốt đẹp. Hiện tôi đang cũng có những hoạt động tình nguyện dạy nghiệp vụ báo chí cho sinh viên của một trường Đại học ở Tokyo, trong đó có sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam rất nhanh nhẹn và chịu khó học tập. Tuy các bạn không hiểu rõ mấy về chiến tranh, nhưng các bạn ấy tự hào về những gì mà thế hệ trước đã làm. Điều này rất đáng quí.

Tôi hy vọng Việt Nam bằng lịch sử đáng tự hào trong quá khứ sẽ tiếp tục phát triển. Chúc các bạn thành công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông./.
Theo Bùi Hùng/VOV- Tokyo