Nhà báo Đức bị tố nhận tiền của độc giả để giúp các nhân vật không có thật
(Dân trí) - Nhà báo Đức Claas Relotius, người bị tố bịa các thông tin và nhân vật trong hàng loạt bài viết trên tạp chí tin tức Der Spiegel tiếng tăm, đang đối mặt với những cáo buộc mới, sau khi tạp chí này phát hiện ra rằng anh ta nhận tiền của độc giả để giúp đỡ các nhân vật không có thật.
Vụ bê bối bịa đặt tin tức của nhà báo Claas Relotius dường như vẫn chưa dừng lại sau khi Der Spiegel hồi cuối tuần qua công bố các thông tin chấn động khác. Der Spiegel ngày 22/12 cho biết tạp chí sẽ đưa ra khiếu kiện hình sự đối với nhà báo Claas Relotius liên quan tới đề nghị của anh ta đối với độc giả nhằm hỗ trợ tiền cho các trẻ em Syria.
Theo đó, tạp chí trên phát hiện ra rằng Relotius đã kêu gọi độc giả góp tiền cho một quỹ riêng tư nhằm hỗ trợ 2 trẻ mồ cô Syria mà anh ta đề cập trong một bài viết. Tuy nhiên, bài viết của Relotius trên thực tế đã bịa ra sự tồn tại của một trong số hai trẻ mồ côi, được tin là anh chị em ruột, và tiền của độc giả đã được chuyển vào tải khoản ngân hàng cá nhân của nhà báo 33 tuổi này.
Tạp chí cho biết sẽ hợp tác với cơ quan điều tra và "cung cấp tất cả các thông tin thu thập được cho các công tố viên trong khuôn khổ đơn khiếu kiện hình sự".
Theo Spiegel, trong những ngày gần đây, các độc giả đã thông báo về việc Relotius kêu gọi tài trợ cho cái gọi là những đứa trẻ mồ côi Syria sống trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ. Tạp chí này khẳng định không hay biết về chiến dịch quyên góp và cũng không rõ chiến dịch đã gây quỹ được bao nhiêu tiền.
Spiegel đã xuất bản bài viết trên của Relotius vào tháng 7/2016, nhưng một phóng viên ảnh Thổ Nhĩ Kỳ từng hợp tác với anh ta trong bài viết sau đó đã phát hiện những chi tiết quan trọng thiếu chính xác.
Relotius sau đó còn viết về việc cố gắng giúp hai đứa trẻ được một gia đình ở Đức nhận làm con nuôi, mà Spiegel cũng nói dường như là chuyện bịa.
Hồi tuần trước, Spiegel cho biết, nhà báo Claas Relotius bị cáo buộc "đã bịa ra các chi tiết trên quy mô lớn và thậm chí còn sáng tác ra các nhân vật" trong ít nhất 14 trong tổng số 60 bài viết của mình từng xuất hiện trên các bản in và điện tử của tạp chí này.
Trong số những chi tiết bị bịa đặt có các cuộc phỏng vấn cha mẹ của cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng người Mỹ Colin Kaepernick; câu chuyện về một phụ nữ Mỹ được cho là tình nguyện chứng kiến các vụ xử tử; và một bài viết về một thị trấn chống nhập cư và ủng hộ Tổng thống Trump tại bang Minnesota. Các nghi ngờ đã được một đồng nghiệp nêu ra hồi tháng 11, khi người này phát hiện ra rằng các cuộc phỏng vấn mà Relotius khẳng định từng thực hiện trên thực tế chưa từng diễn ra.
Relotius, 33 tuổi, đã từ chức sau khi thừa nhận hành vi gian lận. Anh này đã viết bài cho Der Spiegel trong 7 năm qua và từng giành nhiều giải thưởng về báo chí điều tra, trong đó có giải thưởng Nhà báo của Năm của hãng tin CNN vào năm 2014.
Trong ấn bản mới nhất, Spiegel nói vụ bê bối là "điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một đội ngũ biên tập". Thừa nhận ảnh hưởng to lớn của vụ việc đối với niềm tin dành cho chính tạp chí này và lĩnh vực báo chí nói chung, Spiegel đã xin lỗi độc giả và cam kết làm tất cả những gì có thể để lấy lại uy tín.
An Bình
Theo Telegraph