1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ về một cuộc chiến mới trên lãnh thổ Iraq

(Dân trí) - Iraq, vốn đã kiệt quệ và tan đàn xẻ nghé vì những cuộc xung đột sắc tộc và can thiệp nước ngoài, nay lại có nguy cơ thêm phần bất ổn khi Thổ Nhĩ Kỳ điều động thêm xe tăng tới khu vực giáp giới với nước này hôm 30/5.

Giới phân tích nhận định sự việc này đang làm dấy lên quan ngại về sự đối đầu giữa Ankara và chính phủ tự trị người Cuốc, dẫn tới sự bất ổn cho khu vực này khi quân đội Mỹ rút lui.

 

Một nhóm 20 xe tăng được trở trên những chiếc xe quân sự chuyên dụng đã xuất phát từ các doanh trại quân đội ở Mardin gần Xyri, và tiến về phía đường biên giới với Iraq ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào những phần tử nổi dậy của đảng Công nhân Cuốcđixtan (PKK).

 

Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Yasar Buyukanit cho biết bất cứ thời điểm nào, quân đội luôn sẵn sàng hành động qua biên giới nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ của Đảng Công nhân Cuốc ly khai (PKK), đóng tại Iraq.

 

Tin đồn về khả năng sắp xảy ra một cuộc thâm nhập bất ngờ của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Iraq xuất hiện từ tuần trước, khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông đã tính tới khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự bất chấp sự phản đối của Washington, đồng minh của Ancara trong NATO, đối với một hành động như vậy.

 

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Ancara không điều động binh lính vượt biên giới vào lãnh thổ Iraq, và cho rằng hành động này sẽ chỉ càng làm tình hình thêm phức tạp. Washington và Ancara cũng đã nhất trí về một loạt biện pháp khác nhau, trong đó có cả các biện pháp tài chính, nhằm tìm cách kiềm chế PKK.

 

Viễn cảnh xảy ra một chiến dịch quân sự cũng đã thổi bùng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ngày 30/5, Ancara đã chính thức yêu cầu Washington không có thêm bất kỳ hành động vi phạm không phận nào của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hai máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ xâm nhập không phận nước này tại khu vực giáp biên giới Iraq. Các nhà ngoại giao Mỹ lập luận sự việc nói trên chỉ là "ngẫu nhiên", tuy nhiên phương tiện truyền thông đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Washington đã cố tình gửi tới Ancara thông điệp chớ có đưa binh lính vào lãnh thổ Iraq.

 

Sức ép tại chính Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi phải tiến hành một hành động quân sự đang ngày càng gia tăng sau khi một vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Ancara hồi tuần trước khiến sáu người bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm vụ tấn công đẫm máu này cho PKK.

 

Thủ tướng Erdogan cho rằng cần phải hành động cứng rắn trước thời điểm nước này tiến hành cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2007. Ngày 30/5, ông Erdogan một lần nữa bày tỏ sự thất vọng trước thất bại của Mỹ và chính phủ Iraq trong việc trấn áp các phần tử PKK nổi dậy ở Iraq mặc dù Ancara liên tục kêu gọi hành động.

 

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bình luận sự kiên nhẫn của chính phủ đang "cạn dần" trước mức độ gia tăng của các cuộc tấn công của PKK và sự lảng tránh của Mỹ. Một quan chức ngoại giao nước này nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn Iraq, Mỹ và chính phủ khu vực Cuốc hành động một cách có trách nhiệm hơn. Song thật đáng tiếc, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được sự hợp tác đầy đủ. Chúng tôi biết chắc chắc phần lớn thuốc nổ được PKK sử dụng trong các cuộc tấn công xuất phát từ lãnh thổ phía Bắc Iraq. Do đó, Mỹ có thể giúp chúng tôi nhiều hơn. Họ có thể bắt các nhân vật lãnh đạo của PKK, song thay vào đó họ lại tạo cho chúng nơi ẩn náu an toàn. Điều này đang gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ".

 

Trong một diễn biến đang lo ngại có liên quan, Đài phát thanh quân đội Israel, ngày 1/6 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Iran vừa chuyển sang Xyri một lô hàng quân sự lớn gồm nhiều súng cá nhân, đạn dược..., trong đó có hơn 1.000 quả tên lửa. Bên tiếp nhận cuối cùng số hàng này là các tay súng li khai người Cuốc.

 

Giới phân tích cho rằng bất cứ cuộc tấn công qua biên giới nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq lúc này cũng sẽ làm tăng thêm cuộc khủng hoảng tại khu vực, làm sứt mẻ quan hệ giữa cộng đồng người Thổ và người Cuốc, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế tại khu vực nghèo đói này.

 

KV

Tổng hợp