1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung sau cuộc chạm trán trên Biển Đông

(Dân trí) - Cuộc “chạm trán” được cho là “thiếu an toàn” giữa các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông gần đây được dự đoán có thể “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ vốn tồn tại nhiều bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh.

Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc áp sát thiếu an toàn trên Biển Đông hồi tháng 9 (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc áp sát "thiếu an toàn" trên Biển Đông hồi tháng 9 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Mỹ đã cáo buộc Hải quân Trung Quốc hành động “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” khi điều tàu khu trục áp sát ở khoảng cách chỉ 41m ngay trước mũi tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ, buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm. Vụ việc trên xảy ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi Mỹ khẳng định tàu USS Decatur hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, Trung Quốc đã chỉ trích hành động của tàu Mỹ, cáo buộc Washington vi phạm cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Bắc Kinh tại vùng biển này. Mặc dù vậy, đây không phải lần đầu tiên tàu quân sự của hai nước “chạm trán” nhau trên Biển Đông.

Hồi tháng 5, các tàu chiến Trung Quốc đã cảnh báo hai tàu Hải quân Mỹ tránh xa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của tàu Trung Quốc khi đó được đánh giá là “an toàn, nhưng thiếu chuyên nghiệp”.

Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đang có xu hướng leo thang căng thẳng liên quan tới cuộc chiến thương mại, các chuyên gia cho rằng vụ “chạm trán” trên Biển Đông gần đây có thể sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ vốn luôn thăng trầm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

“Mọi thứ trong quan hệ song phương đều có liên quan đến nhau. Theo quan điểm của Trung Quốc, thương mại và sức mạnh quân sự là hai lĩnh vực gắn kết với nhau, và chính sách của chính quyền Donald Trump dường như nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh cả về thương mại lẫn mọi vấn đề khác”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chung với các tàu Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 8. (Ảnh: US Navy)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chung với các tàu Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 8. (Ảnh: US Navy)

Trung Quốc từ lâu đã đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý hòng chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách này. Mặc dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song Washington thường xuyên đưa máy bay và tàu chiến tới khu vực này, nơi mà Mỹ cho rằng là vùng biển và không phận quốc tế, để thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Các động thái của Mỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc Kinh.

“Không ngạc nhiên khi quân đội Trung Quốc thách thức các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ gần quần đảo Trường Sa. Động thái của Trung Quốc nhằm tìm cách thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ thất bại khi Mỹ tiếp tục các hoạt động (trên Biển Đông)”, Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu về chiến lược quốc phòng Mỹ tại châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết.

Ngoài thông báo chính thức về vụ việc, Hải quân Mỹ cũng công bố các bức ảnh chụp cho thấy tàu khu trục của Trung Quốc áp sát ở khoảng cách rất gần so với tàu Mỹ. Theo ông Richard Menhinick, Thiếu tướng Hải quân Hoàng gia Australia về hưu, những bức ảnh đã thể hiện rằng Trung Quốc không hành xử phù hợp với luật biển quốc tế.

“Tôi đoán rằng tàu Trung Quốc đã tìm cách vượt lên trước tàu Mỹ, sau đó di chuyển chậm lại. Đây chắc chắn là một tình huống không mấy dễ chịu và chắc chắn không phải là điều được phép xảy ra theo luật biển. Luật biển được xây dựng để mở đường cho các tàu khi di chuyển, chứ không phải những tình huống như vậy”, ông Menhinick nói.

Trung Quốc lo ngại liên minh của Mỹ

Máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các tháp radar, nhà chứa máy bay và các tòa nhà cao 5 tầng xuất hiện trên đá Chữ Thập tại Biển Đông (Ảnh: New York Times)
Máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các tháp radar, nhà chứa máy bay và các tòa nhà cao 5 tầng xuất hiện trên đá Chữ Thập tại Biển Đông (Ảnh: New York Times)

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, hành động áp sát của tàu khu trục Trung Quốc đối với tàu Mỹ trên Biển Đông đã vi phạm Bộ Quy tắc về Va chạm Bất ngờ trên Biển do Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác nhất trí ký kết vào năm 2014. Văn kiện này ra đời nhằm hạn chế khả năng xảy ra các vụ tai nạn trên biển và giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng giữa các nước.

“Khoảng cách 41m như thông tin đã đưa là cực kỳ ngắn để đảm bảo an toàn. Đối với tôi đây là hành động cố ý và có thể đã được các cấp cao hơn phê chuẩn như một phần trong các động thái trả đũa của Trung Quốc trong thời gian gần đây”, chuyên gia Koh nhận định.

Là chuyên gia về các vấn đề liên quan tới hải quân khu vực, ông Koh cho rằng nếu chỉ dựa trên các bức ảnh thì có thể thấy khoảng cách giữa hai tàu Mỹ và Trung Quốc có thể ngắn hơn 41m như thông tin được công bố.

“Nếu nhìn vào những bức ảnh, xem xét các góc độ và bóng của các con tàu, khoảng cách thực tế dường như không chỉ là 41m”, chuyên gia Koh phỏng đoán.

“Việc tiến hành các hành động áp sát ở cự ly gần nguy hiểm như vậy đã đi ngược lại với tinh thần thúc đẩy sự an toàn trong quá trình tương tác giữa các lực lượng hoạt động trên biển. Trong thời gian gần đây, các nước lớn bên ngoài cũng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Do vậy, hành động (chạm trán) càng củng cố lập trường hung hăng hơn của Trung Quốc nhằm cảnh báo điều mà nước này gọi là sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực”, ông Koh cho biết.

Theo nhiều nhà phân tích, vụ “chạm trán” mới nhất giữa các tàu Mỹ và Trung Quốc đã dấu hiệu cho thấy lập trường ngày càng “hung hăng” của Bắc Kinh trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng với Washington có xu hướng tăng nhiệt. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ căng thẳng với Mỹ.

Vụ chạm trán gần đây xảy ra sau khi một loạt các quốc gia đồng minh với Mỹ cũng tiến hành các động thái hiện diện quân sự trên Biển Đông. Hồi tháng trước, tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Anh đã thực hiện chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải khi đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau đó Nhật Bản cũng tiến hành cuộc tập trận hiếm có trên Biển Đông với sự tham gia của tàu ngầm và các tàu khu trục. Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khu trục áp sát tàu Mỹ cũng có thể là thông điệp để “nắn gân” các nước khác.

“Không phải ngẫu nhiên mà các động thái hung hăng mới đây của quân đội Trung Quốc diễn ra ngay sau chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải đầu tiên của một đồng minh của Mỹ khi tàu HMS Albion của Anh di chuyển qua Hoàng Sa. Bắc Kinh có thể đang tìm cách đánh tín hiệu tới các đồng minh và đối tác của Mỹ liên quan tới các chiến dịch của họ trên Biển Đông rằng họ không thể hành động mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”, Aaron Connelly, giám đốc Dự án Đông Nam Á tại viện nghiên cứu Lowy của Australia, nhận định.

Theo chuyên gia Koh, mối quan ngại trước tiên và lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự trên Biển Đông gần đây khiến Bắc Kinh lo ngại kịch bản các đồng minh và đối tác của Washington sẽ bắt tay nhau tham gia vào chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu.

“Giới hoạch định chính sách Trung Quốc có thể nhận ra đây là động thái có tính toán của Mỹ với các đồng minh và đối tác, do vậy Trung Quốc cần đưa ra lập trường cứng rắn hơn”, chuyên gia Koh cho biết.

Thành Đạt

Theo Bloomberg, SCMP