1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ tái hiện "Chiến tranh lạnh"

Dù được coi là “họp kín” nhưng ai cũng hiểu chủ đề bàn thảo của cuộc gặp đang diễn ra tại Lítva với sự tham gia của khoảng 90 chuyên gia an ninh và giới chức ngoại giao cấp cao các nước NATO là mối quan hệ đang nóng lên với nước Nga.


Đoàn xe của lính Mỹ chuẩn bị vượt biên giới từ Đức tiến vào Ba Lan

Đoàn xe của lính Mỹ chuẩn bị vượt biên giới từ Đức tiến vào Ba Lan

Đây là cuộc gặp lần thứ 10 và là một diễn đàn an ninh không chính thức được tổ chức hàng năm. Khách mời năm nay có Phó Tổng thư ký NATO R. Gottemoeller, Tướng Lục quân Mỹ M. Breedlove, nguyên Tư lệnh NATO tại châu Âu. Các quan chức thảo luận về những quyết định đưa ra hồi mùa hè năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Ba Lan về việc tăng cường năng lực quân sự của liên minh này tại sườn phía Đông.

Cuộc gặp được tổ chức ngay sau khi bước đi đầu tiên trong kế hoạch tăng cường lực lượng trên của NATO diễn ra hôm 12-1 vừa qua, khi Mỹ bắt đầu đưa binh sĩ và xe tăng tới Ba Lan. Đây là một phần trong kế hoạch triển khai quy mô lớn nhất đối với các lực lượng Mỹ tại châu Âu kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Tổng thể sẽ có 4.000 binh sỹ Mỹ được điều chuyển từ Đức sang Ba Lan trong kế hoạch của NATO có tên Atlantic Resolve, trong đó có một lữ đoàn xe tăng hạng nặng. Ngoài Ba Lan, lính NATO cũng sẽ được bố trí trên lãnh thổ của Latvia, Lithuania và Estonia.

Theo thông báo thì đây là những cuộc “luân chuyển quân” bình thường. Tuy nhiên, các cuộc điều binh trên lại giúp hình thành những cụm quân có quy lớn nhất của NATO từ trước tới nay ngay sát sườn phía Đông giáp biên giới với Nga. Tất nhiên Mỹ và NATO không hề giải thích cho sự bất thường này, nhưng mục đích của các cuộc điều quân trên có thể hiểu qua phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn chiến lược có trụ sở ở Washington (Mỹ).

Trong bản báo cáo có tựa đề “Vũ trang để chống trả” vừa được đưa ra, Atlantic Council lập luận rằng, do bố trí quân sự của NATO ở Đông Âu hiện nay chưa đủ để ứng phó với sự tấn công của Nga, cho nên NATO cần chuẩn bị để có thể trả đũa hữu hiệu nhất khi Nga ra tay.

Theo bản báo cáo này, sự chuẩn bị bao gồm việc phá hủy các mục tiêu như hệ thống tàu điện ngầm, truyền tải điện ở Thủ đô Mátxcơva, thành phố Saint Peterburg, đài truyền hình Nước nga ngày nay… Đồng thời, Ba Lan cũng có thể đưa lực lượng đặc nhiệm tới thành phố Kaliningrad của Nga để phá hủy các mục tiêu chiến lược trọng yếu ở đây như tên lửa đạn đạo…

Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi Nga phản ứng mạnh trước kế hoạch điều quân đến sát biên giới với mình. Người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov nhấn mạnh, Nga coi đây là một bước đi gây hấn của Mỹ dọc đường biên giới nước này. Còn Ngoại trưởng Nga S. Lavrov thì cho rằng, mục đích mà Mỹ và các đồng minh cố gắng xây dựng một mặt trận chống Nga theo mô hình “Chiến tranh lạnh” là nhằm bảo vệ trật tự thế giới đơn cực, duy trì sự thống trị trên toàn cầu của Washington.

Theo ông S. Lavrov, mặc dù Nga đang tìm kiế́m chính sách ngoại giao - quân sự cân bằng để bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ nhưng Mátxcơva sẽ không cho phép bất cứ ai xâm hại đến lợi ích quốc gia của mình và sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả thích đáng. Trước đó, Nga đã hai lần đưa tên lửa Iskander, loại tên lửa với tầm bắn lên đến gần 500km đủ sức vươn tới Ba Lan và Đức, đến Kaliningrad sát với các nước Baltic nhằm răn đe nhưng sau đó đã rút chúng về nước.

Với việc lính Mỹ được tăng cường đến đồn trú tại Ba Lan ngay sát nước Nga, không loại trừ khả năng những tên lửa Iskander sẽ xuất hiện trở lại ở Kaliningrad như hành động trả đũa. Với tiềm lực quân sự của mình, Nga không thiếu các con bài khác. Cuộc đối đầu Nga - NATO đã nóng lên.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm