Nguy cơ lớn từ tham vọng khống chế Biển Đông của Trung Quốc
Quá trình bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra với tốc độ mà ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy “hết sức ngỡ ngàng”.
Tốc độ nhanh đến đáng sợ
Theo Reuters, sau khi Earthrise Media- một tổ chức phi lợi nhuận- công bố loạt ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đảo phi pháp và xây dựng các công trình trái phép của Trung Quốc ở trên các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giới chức quân sự Mỹ đã lên tiếng khẳng định, quá trình này “trên thực tế đã hoàn tất”.
Cũng theo Reuters, dù bất kỳ hoạt động phi pháp nào của Trung Quốc ở Biển Đông cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế, các chuyên gia vẫn phải ngỡ ngàng về tốc độ cải tạo và xây dựng công trình trái phép trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Earthrise Media, những hình ảnh vệ tinh mà tổ chức này công bố chủ yếu được chụp trong 2 năm 2014 và 2015. Theo đó, trên cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có tổng cộng hơn 1.000 công trình. Phần lớn các công trình này nằm ở quần đảo Hoàng Sa. Chỉ vài năm sau, số lượng các công trình trên 2 quần đảo này gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn các công trình xây dựng mới lại là ở quần đảo Trường Sa và số công trình mà Trung Quốc thực hiện hoàn toàn áp đảo.
Đáng chú ý, hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc diễn ra hết sức rầm rộ và các công trình xây dựng của Trung Quốc trên đó, bao gồm sân bay, trạm radar… mà nước này tuyên bố là nhằm phục vụ mục đích dân sự lại khiến rất nhiều nước láng giềng và Mỹ quan ngại bởi các công trình này hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích quân sự trong khi Trung Quốc từng tuyên bố “có quyền làm gì tùy thích trên lãnh thổ của mình”.
Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng ra sao
Vài năm trước, trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chủ yếu tập trung cải tạo và xây dựng trái phép các công trình trên đá Chữ thập. Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai phi pháp một số công trình nhỏ lẻ khác trên một số bãi đá, rạn san hô nhỏ hơn.
Các đảo và bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Đồ họa: DigitalGlobe
Một vài năm sau, quá trình cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng và công khai trên cả 7 bãi đá mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền [trên thực tế, cả 7 bãi đá này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND].
Cùng với đá Chữ thập, đá Vành khăn và Subi cũng nhanh chóng được Trung Quốc cải tạo trái phép thành những đảo nhân tạo có kích thước lớn và được một số nhà phân tích gọi là “3 đảo lớn”.
Theo các chuyên gia, thoạt nhìn, “3 đảo lớn” hiện nay trông không khác gì “những thị trấn nhỏ” với các sân tập thể thao, hệ thống đường sá và nhiều tòa nhà lớn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ càng, có thể nhận ra, một số công trình được xây dựng nhằm che đậy các cơ sở quân sự như trạm radar, nhà chứa máy bay và thậm chí là các bệ phóng tên lửa. Ngoài ra, các tàu hải quân của Trung Quốc cũng liên tục hiện diện quanh các đảo này.
Trong số “3 đảo lớn”, đảo Subi là đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa. Tuy nhiên, các công trình mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên “3 đảo lớn” là khá tương đồng, bao gồm bệ phóng tên lửa, đường băng dài 3km [đủ để các loại máy bay quân sự cỡ lớn cất và hạ cánh dễ dàng-ND], các kho chứa hàng hóa và trạm radar quân sự.
Trong khi đó, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm. Chỉ trong vòng 2 năm, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi.
Ngoài các công trình như đá Subi và đá Vành Khăn, các chuyên gia cho rằng, đá Chữ Thập còn được Trung Quốc tập trung phát triển để trở thành một cứ điểm phục vụ mục đích “tác chiến điện tử”.
Các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa. Đồ họa: DigitalGlobe
Trong khi đó, hoạt động cải tạo đảo phi pháp đã được Trung Quốc tiến hành trên quần đảo Hoàng Sa [mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam-ND] từ hơn 4 thập kỷ qua. Hiện nay, Trung Quốc tập trung đẩy mạnh quá trình xây dựng trái phép trên các đảo Quang Hòa, Cây và Phú Lâm.
Trong đó, đảo Phú Lâm được Trung Quốc dần dần hoàn thiện trong suốt 4 thập kỷ qua với mục đích biến hòn đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam.
Đến năm 2012, Trung Quốc chính thức dựng lên cái gọi là thành phố Tam Sa và coi đó là “thủ phủ hành chính” của tất cả những đảo và bãi đá mà nước này ngang nhiên công bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau khi đã hoàn tất việc xây dựng trái phép các công trình ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ là điều chiến đấu cơ, tàu hải quân và các vũ khí tầm xa để khống chế hoàn toàn khu vực. Đây là một diễn biến khiến cả Mỹ và các nước trong khu vực hết sức quan ngại.
Theo Trần Khánh
VOV