Nguy cơ chiến tranh nước ngọt tại “điểm nóng” Trung Đông
(Dân trí) - Một chuyên gia Jordan đã lên tiếng cảnh báo về cuộc chiến nước ngọt tại “điểm nóng” Trung Đông khi Israel có thể gây chiến với các quốc gia láng giềng Li-băng và Ai Cập để giành nước ngọt.
Các em nhỏ Palestine đang uống nước ngọt tại miền nam Gaza.
Trong khi đó, một chuyên gia Ả-rập khác cũng dự báo, vấn đề thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng ở Yemen, vốn đang gây ra tình trạng bất ổn nội bộ, sẽ làm gia tăng các nhóm cực đoan và có thể kích động các cuộc xung đột với các quốc gia láng giềng.
Hai nhận định trên đây đã phản ánh mối lo ngại thường trực tại Trung Đông rằng tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu, nguồn nước ngọt bị thu hẹp và dân số ngày càng gia tăng sẽ gây ra các cuộc chiến vì nước ngọt trong tương lai không xa.
Tờ Al-Yawm của Amman đã dẫn lời giáo sư khoa học chính trị người Jordan Ghazi al-Rababah, người dự báo rằng Israel sẽ chiến tranh với Li-băng đầu tiên vì con sông Litani gần biên giới 2 quốc gia.
Trước khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, Thủ tướng đầu tiên của Isarel David Ben-Gurion đã ủng hộ việc con sông Litani nên thuộc về quốc gia Do Thái.
Israel đã nắn dòng chảy trên sông Litani trong giai đoạn 1978-2000 khi nước này chiếm miền nam Li-băng. Ông Al-Rababah cho rằng Israel đã lấy “hàng trăm triệu m3 nước” từ con sông này.
Mặc dù Israel đang đang tìm cách làm giảm bớt tình trạng thiếu nước ngọt bằng việc xây dựng các nhà máy khử muối, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2013, nhưng ông al-Rababah cũng dự báo Israel có thể chiến tranh với Ai Cập - quốc gia láng giềng ở phía nam - trong vòng 7 năm tới để kiểm soát sông Nile.
Tổ chức ân xá Quốc tế gần đây cho hay Isarel đang hạn chế các nguồn cung cấp nước tới dải Gaza, một dải đất hẹp ven biển - với dân số 1,5 triệu người Palestine - nằm giữa quốc gia Do Thái và Ai Cập. Gaza hiện do Hamas kiểm soát. Nhiều năm nay, Hamas đã nã rocket vào Israel và từ chối công nhận nhà nước Do Thái. Đổi lại, Israel đã phong tỏa kinh tế dải Gaza trong gần 2 năm qua.
Ủy ban nước ngọt của Israel khẳng định Israel được phân phối nước trên đầu người ít hơn các quốc gia Ả-rập khác kể từ năm 1967 khi họ chiếm giữ Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan, bán đảo Sinai từ Ai Cập và Cao nguyên Golan - được xem là nguồn nước quan trọng - từ Syria.
Sinai được trao trả lại cho Ai Cập theo Hiệp ước hòa bình 1979 - hiệp ước đầu tiên giữa một quốc gia Ả-rập và Israel. Các vùng khác vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Israel.
Một chuyên gia Ả-rập khác cũng dự báo một cuộc xung đột trong vùng vì nước ngọt là ông Hosny Khordagui, giám đốc quỹ điều phối nước ngọt tại các quốc gia Ả-rập với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times của London, ông Khordagui cảnh báo việc thiếu hụt nước ngọt tại Yemen, một trong những quốc gia Ả-rập nghèo nhất thế giới, có thể khiến các vụ phạm tội và bạo lực tăng lên. Sự ủng hộ ngày càng gia tăng cho “các tổ chức cuồng tín” có thể làm bùng phát thành một cuộc xung đột giữa Yemen với các quốc gia khác trong Biển Đỏ và khu vực Sừng châu Phi.
Tuy nhiên, giáo sư Aaron Wolf, một chuyên gia về giải pháp xung đột nước ngọt tại đại học bang Oregon (Mỹ) cho rằng các cuộc chiến nước ngọt giữa các quốc gia Trung Đông không phải là không tránh được. Thậm chí trong một số trường hợp, nó còn là "cái cớ" để hợp tác và giải pháp hòa bình cho những bất đồng.
“Nước ngọt chắc chắn trở thành một chủ đề ngầm trong cuộc xung đột Ả-rập-Israel. Nó giúp định hình các đường biên giới chính trị - nhưng cũng trở thành một cơ hội cho đối thoại”, ông Wolf nói.
An Bình
Theo UPI