Nguy cơ chiến tranh mạng Mỹ - Nga
Washington cáo buộc Moscow đã cài mã độc để phá hoại mạng lưới điện, ống dẫn dầu khí và hệ thống nước của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra
Các quan chức giấu tên của chính phủ Mỹ hôm 15-6 khẳng định với báo The New York Times rằng Washington đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công mạng nhằm cài mã độc vào mạng lưới điện của Nga.
Các quan chức khẳng định chiến dịch trên được tiến hành để cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin và đặt Washington vào một vị trí mà họ có thể triển khai nhanh chóng các cuộc tấn công mạng trong trường hợp xảy ra xung đột với Moscow. Tuy nhiên, họ khẳng định giới chức Mỹ nhiều khả năng không báo cáo chiến dịch này với Tổng thống Donald Trump vì lo ngại ông sẽ chấm dứt nó hoặc thảo luận nó với giới chức nước ngoài, như ông từng làm vào năm 2017 khi đề cập chiến dịch nhạy cảm của Mỹ ở Syria với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
Theo đạo luật ủy quyền quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2018, bộ trưởng quốc phòng Mỹ có thể ủy quyền các chiến dịch mật trên không gian mạng mà không cần sự phê duyệt của tổng thống. Cũng vào năm ngoái, Tổng thống Trump cho phép Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ, cơ quan thuộc Lầu Năm Góc phụ trách các hoạt động mạng của quân đội Mỹ, tiến hành các chiến dịch mà không cần thông qua ông.
Chính quyền Tổng thống Trump đến giờ vẫn không bình luận về các chiến dịch mà họ tiến hành trong khuôn khổ của đạo luật nói trên, song cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới đây tuyên bố Washington đang đẩy mạnh hoạt động trên không gian mạng "để nói với Nga và tất cả các nước khác rằng các người sẽ trả giá nếu tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào chúng tôi". Trong những năm qua, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc Nga đã cài mã độc để phá hoại mạng lưới điện, ống dẫn dầu và khí đốt cũng như hệ thống nước của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra.
Theo các quan chức giấu tên nêu trên, Mỹ bắt đầu thu thập thông tin tình báo về mạng lưới điện của Nga kể từ ít nhất là năm 2012, song chiến thuật của Washington giờ đây đã chuyển sang hướng "tấn công" nhiều hơn, với mức độ nguy hiểm chưa từng có. Họ khẳng định đây là một ví dụ cho thấy các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đang sử dụng những quyền hạn mới để tiến hành các chiến dịch trên không gian mạng một cách "liều lĩnh hơn rất nhiều so với những năm trước đây", khiến nguy cơ chiến tranh mạng Nga - Mỹ gia tăng.
"Chúng ta đang hành động với một quy mô mà cách đây vài năm chúng ta không hề nghĩ đến" - một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng về việc liệu Nga và Mỹ có thực sự cài mã độc vào mạng lưới điện của nhau hay không. Tuy nhiên, những tiết lộ trên đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu mạng lưới điện của một quốc gia - hoặc những cơ sở hạ tầng quan trọng khác giúp duy trì hoạt động của nhà ở, nhà máy và bệnh viện - có phải là một mục tiêu hợp pháp của một cuộc tấn công mạng hay không.
Giới chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định họ không lo ngại về việc thông tin của báo The New York Times có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Dù vậy, Tổng thống Trump hôm 15-6 giận dữ nói rằng "đây rõ ràng là một hành động phản quốc của một tờ báo từng rất tuyệt vời nhưng giờ đây lại quá liều lĩnh về bài viết, mọi bài viết, ngay cả khi nó gây ảnh hưởng xấu đến quốc gia".
Thông tin về chiến dịch của Mỹ nhằm vào Nga được đăng tải giữa lúc quan hệ 2 nước tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến Ba Lan. Điện Kremlin khẳng định quân đội Nga đang theo dõi sát sao kế hoạch này và sẽ thực hiện các động thái cần thiết nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của Nga.
Theo Cao Lực
Người lao động