1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người trong “trục tốt” Mỹ Latin

Ngày 9/1, trong chặng dừng ở Trung Quốc, tân Tổng thống Bolivia Evo Morales kêu gọi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hỗ trợ quốc doanh hóa công nghiệp khí đốt Bolivia. Evo Morales còn gọi Trung Quốc là “đồng minh tư tưởng” và đề nghị tổ chức lại mối hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và phong trào xã hội chủ nghĩa Bolivia.

Đây là một trong những bước đi đầu tiên của tân Tổng thống cánh tả Evo Morales, người trong thời gian tranh cử đã cam kết quốc doanh hóa công nghiệp khí đốt và dành cho người da đỏ (chiếm 2/3 dân Bolivia) nhiều đại diện hơn trong chính phủ.

 

Ông cũng là một trong những lãnh đạo Mỹ Latin bày tỏ quan điểm với chủ nghĩa tư bản Mỹ khi tuyên bố trong thời gian tranh cử rằng “nước Mỹ là cơn ác mộng tồi tệ nhất”.

 

Tuần tiếp đó, trong chặng dừng tại Cuba, ông Evo Morales đã tuyên bố Chủ tịch Fidel Castro là “lãnh tụ ngưỡng mộ”. Trong khi đó, chủ tịch Cuba đã đón ông với những nghi thức dành cho nguyên thủ dù ông vẫn chưa nhậm chức.

 

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở cao nguyên Andean, tân Tổng thống Bolivia Evo Morales năm nay 46 tuổi, thuở nhỏ từng đi chăn lạc đà, sau đó chuyển sang trồng coca rồi làm thủ lĩnh nghiệp đoàn. Ông từng đấu tranh chống lại nhiều chính phủ Bolivia vì không cải thiện cuộc sống của dân nghèo.

 

Trong cuộc gặp, Cuba quyết định tặng Bolivia 5.000 học bổng du học hằng năm. Tiếp đó, tại cuộc gặp tổng thống Venezuela ngày 3/1, ông Hugo Chavez đã cam kết viện trợ Bolivia 30 triệu USD, đồng thời cấp 150.000 thùng dầu/năm để đổi lấy thực phẩm trong một hợp đồng trị giá 150 triệu USD.

 

Tại cuộc gặp này, theo AP, ông Chavez nói với Morales rằng các lãnh đạo Cuba, Venezuela và Bolivia là “trục tốt”, đối lại với tuyên bố năm 2001 của Tổng thống Bush về “trục ác” (gồm Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên).

 

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà quan sát, nhiều khả năng ông Morales sẽ thi hành chính sách trung dung. Là nước nghèo nhất Nam Mỹ với 8,9 triệu dân, với nguồn dự trữ khí đốt mới được phát hiện nhưng lại là nơi trồng coca lớn nhất Mỹ Latin (chỉ sau Venezuela) và bị Mỹ cáo buộc sản xuất cocain, ông Morales phải “đi trên dây” giữa Mỹ và các đồng minh.

 

Đó là lý do giải thích vì sao sau khi đắc cử ông ngỏ ý muốn đi thăm Mỹ. Và dù tuyên bố quốc doanh hóa các tài nguyên thiên nhiên, ông đã khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài điều đó không có nghĩa các công ty cổ phần sẽ bị trưng thu và các công ty nước ngoài sẽ bị trục xuất.

 

Ông cũng hứa với giới doanh nhân sẽ tạo môi trường thích hợp cho đầu tư nước ngoài. Carlos Toranzo, nhà quan sát chính trị Bolivia, cho rằng tuy có quan điểm cánh tả nhưng ông Morales sẽ có đường lối trung dung “như thực tiễn từng thấy ở nhiều lãnh đạo cánh tả” mà Tổng thống Brazil Lula da Silva là một ví dụ.     

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ/ South China Morning Post