Người nước ngoài đầu tiên trong thế giới geisha
(Dân trí) - Phần lớn người phương Tây biết đến đời sống của một geisha qua “Hồi ức của một geisha” hay những cuốn tiểu thuyết lãng mạn khác... Còn đối với nhà nhân chủng học, nhà làm phim người Úc, Fiona Graham, cô có sự thẩm thấu của người trong cuộc với nửa cuộc đời ở Nhật.
Fiona Graham gia nhập thế giới “thâm cung bí sử” của geisha vào đầu năm ngoái. “Tôi đã nghiên cứu rất nhiều khía cạnh về Nhật Bản, nhưng làm nghề geisha có vẻ như là một ý tưởng tuyệt vời. Bởi từ trước tới nay, không có nhiều sách báo viết về geisha từ cái nhìn của người trong cuộc”, cô gái người Úc này cho biết.
Phong thái biểu diễn tự nhiên, nhưng cũng đầy tính toán của Graham cho thấy cô khác hẳn với nhiều người nước ngoài khác “hành nghề” geisha. Với hầu hết họ, trải nghiệm geisha chỉ đến sau một thất bại lớn đưa họ đến Nhật để làm lại cuộc đời. Còn với Graham, cô là người hiểu khá rõ về văn hóa Nhật.
“Tôi đã có nửa cuộc đời ở Nhật”, Graham nói. Và cũng bị “nhiễm” tính bẽn lẽn truyền thống của một geisha, cô từ chối cho biết tuổi của mình. Tuy nhiên, cô kể lần đầu tiên tới Nhật vào năm 15 tuổi với tư cách là sinh viên trong chương trình trao đổi học sinh giữa Úc và Nhật.
Sayuki (nghệ danh geisha của Graham) gia nhập thế giới geisha ở quận Asakusa, Tokyo, vào đầu năm ngoái, sau gần một năm miệt mài học “những cách thức cơ bản như mở, đóng cửa, cách đứng, cách ngồi…”. Lần đầu tiên cô được trình diễn trong bộ kimono rực rỡ sắc màu và gương mặt trắng nổi bật của geisha là ở Asakusa.
Sayuki cho biết cô bỏ qua gia đoạn thực tập trên con đường đến với nghề geisha thực thụ do vấn đề tuổi tác. (Các geisha thực tập thường trẻ hơn 22 tuổi). Tuy nhiên, việc được xuất hiện trên sân khấu không có nghĩa là chuyện tập luyện của cô đã hết. “Những geisha “lão làng” cũng phải tham gia các lớp học và tập luyện mỗi ngày tới khi họ 90 tuổi mới thôi”, cô nói.
Các buổi tập luyện gồm học cách pha trà, ca hát, chơi nhạc cụ, như sáo và trống. Công việc của “geisha” thường phải tham gia các sự kiện đặc biệt, như trình diễn pha trà vào ban ngày, và tới tham dự các bữa tiệc vào ban đêm.
Những buổi dạ tiệc thường được tổ chức ở những nhà hàng truyền thống thượng hạng. Nhưng đôi khi, các geisha cũng phải lui tới các dinh thự riêng. Chi phí cho hai hai geisha tham dự một bữa tiệc hai người có giá từ 80.000 (hơn 750 USD) trở lên. Tuy nhiên, giá này còn phụ thuộc vào số lượng khách khứa cũng như số lượng của các geisha tham dự. Với giá đó, geisha sẽ chơi nhạc cụ, ca hát và nói chuyện với khách.
Khi được hỏi liệu mối quan hệ của geisha và khách hàng có được tiếp tục sau bữa tiệc hay không, Sayuki đã khéo léo trốn tránh trả lời: “Bất kỳ phụ nữ nào cũng biết yêu. Nhưng điều đó không nằm trong công việc của chúng tôi”.
Một trong những điều mà Sayuki thích thú nhất khi trở thành một geisha là được mặc kimono và cô phải chọn lựa rất cẩn thận để phù hợp với từng mùa. Tuy nhiên, một bộ kimono có giá rất đắt. Với chỉ một lớp áo ngoài trong bộ đồ kimono thường đã có giá lên tới khoảng 10.000 USD. Song Sayuki là người may mắn vì cô được “một số người bạn giàu có tặng”. Ngoài ra cô cũng dùng kimono của nhà geisha cô đang gia nhập.
Việc kết bạn được với những người giàu có ở Nhật cũng là một trong những lợi thế khiến cô có thể đến với nghề geisha một cách thuận lợi hơn. Ngoài ra, với vốn tiếng Nhật thành thạo, cùng hai năm làm việc ở một công ty lớn của Nhật cũng giúp Sayuki rất nhiều.
“Nhật là một thế giới nặng truyền thống với hệ thống tôn ti nghiêm ngặt”, cô nói. Hai năm làm việc cho công ty của Nhật đã mang lại cho cô “rất nhiều kinh nghiệm quý báu”.
Graham hiện chưa quyết định sẽ lưu lại thế giới geisha trong bao lâu. Cô đang chuyên tâm cho kế hoạch làm cho người nước ngoài có thể hiểu rõ hơn về thế giới “đóng cửa” nơi cô đang sống. Cô và các bạn geisha khác dự định sẽ tổ chức các bữa tiệc trà đặc biệt cho những người ngoại quốc với một cái giá “bình dân”.
Phan Anh
Theo Japan Times