1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Đức tắm nước lạnh, tắt bớt đèn đối phó khủng hoảng năng lượng

Thanh Thành

(Dân trí) - Người dân tại các thành phố của Đức phải thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt và mối lo ngày càng tăng về nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.

Người Đức tắm nước lạnh, tắt bớt đèn đối phó khủng hoảng năng lượng - 1

Du khách vui chơi trên biển trong những ngày nắng nóng ở Hohwacht, Hohwachterbucht, Đức (Ảnh: AFP).

Theo Guardian, các thành phố ở Đức đang tắt đèn chiếu sáng tại các đài tưởng niệm công cộng, tắt đài phun nước và sử dụng vòi hoa sen nước lạnh tại các bể bơi và nhà thi đấu thể thao của thành phố, khi nước này đang chạy đua để giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Hanover, ở tây bắc nước Đức, hôm 27/7 đã trở thành thành phố lớn đầu tiên công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm tắt nước nóng vòi hoa sen và phòng tắm của các tòa nhà và trung tâm giải trí do thành phố điều hành.

Các tòa nhà thành phố ở thủ phủ bang Lower Saxony sẽ chỉ được sưởi ấm trong thời gian từ ngày 1/10 đến ngày 31/3, ở nhiệt độ phòng không quá 20⁰C, đồng thời cấm sử dụng các thiết bị điều hòa không khí di động và quạt sưởi. Các nhà trẻ, trường học, nhà chăm sóc và bệnh viện sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp tiết kiệm.

Thị trưởng thành phố, Belit Onay, thuộc đảng Xanh cho biết: "Tình hình không thể đoán trước được. Mỗi kilowatt giờ đều có giá trị và việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng phải được ưu tiên".

Mục tiêu tiết kiệm 15% của Hanover là phù hợp với các khoản cắt giảm mà Ủy ban châu Âu (EC) trong tuần này đã thúc giục các quốc gia thành viên thực hiện để đảm bảo có thể đối phó trong trường hợp Nga cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt.

Áp lực đè nặng nước Đức

Người Đức tắm nước lạnh, tắt bớt đèn đối phó khủng hoảng năng lượng - 2

Hệ thống đài phun nước ở Augsburg bị tắt nhằm tiết kiệm năng lượng (Ảnh: NYT).

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt của Nga so với các nước châu Âu khác, đang chịu áp lực lớn nhất.

Trước chiến sự Ukraine, với hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt đến từ Moscow, khí đốt giá rẻ của Nga là nền tảng cho ngành công nghiệp hùng mạnh của Đức. Berlin thậm chí còn lên kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng với đường ống Nord Stream 2, nhưng chiến sự đã đình chỉ hoạt động của dự án.

Vì vậy, không chỉ tại Hanover, thủ đô Berlin, khoảng 200 di tích lịch sử và các tòa nhà chính quyền, cũng phải tắt đèn sớm để tiết kiệm điện. Các di tích trước đây được thắp sáng vào ban đêm bao gồm Cột Chiến thắng trong công viên Tiergarten, Nhà thờ Tưởng niệm trên Breitscheidplatz và Bảo tàng Do Thái cũng rơi vào cảnh tương tự.

"Đối mặt với cuộc xung đột Ukraine và các mối nguy cơ năng lượng từ Nga, điều quan trọng là chúng ta phải xử lý tình hình của mình một cách cẩn trọng nhất có thể", nghị sĩ về môi trường của Berlin, Bettina Jarasch, cho biết.

Thành phố Munich, miền nam nước Đức, tuần này thông báo họ sẽ tắt đèn chiếu sáng trên tòa thị chính trên quảng trường Marienplatz, nơi thường được thắp sáng đến 11 giờ đêm và chỉ có nước lạnh tại các văn phòng thành phố. Các vòi nước cũng sẽ được tắt vào ban đêm. Nuremberg sẽ đóng cửa 3 trong số 4 hồ bơi trong nhà do thành phố điều hành và sẽ mở cửa hoạt động ngoài trời cho đến ngày 25/9.

Thành phố Augsburg thuộc bang Bavaria cũng vậy. Augsburg hiện là một trong những nơi đi đầu nỗ lực tiết kiệm năng lượng, khi một số thành phố khác của Đức đang đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính cắt giảm sử dụng khí đốt, trong khi những nơi khác giảm độ sáng của đèn đường.

Ông Wolfgang Hubschle, cố vấn kinh tế tại thành phố Augsburg, cho biết giờ đây ông lại nhận thêm nhiệm vụ tính toán xem nên tắt đèn giao thông nào, cách giảm nhiệt độ trong văn phòng và bể bơi, và thậm chí nếu cần, đình chỉ hoạt động nhà máy bia yêu thích nhưng tốn năng lượng của người dân Bavaria.

Đức sử dụng phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu để sưởi ấm các ngôi nhà và cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp lớn của mình. Nếu tmùa đông khắc nghiệt, việc cắt giảm khí đốt không khác gì một đòn giáng chí mạng nhằm vào Đức.

Nhưng trong khi kế hoạch khẩn cấp về năng lượng được khởi xướng vào tháng 6 cho phép các công ty tiện ích chuyển giá khí đốt cao cho khách hàng, hầu hết các hộ gia đình tư nhân ở Đức thanh toán hóa đơn khí đốt của họ cũng bằng các khoản thanh toán trước và vẫn chưa phải trả hóa đơn tăng mạnh, một động thái được cho là có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Hôm 28/7, chính phủ Đức xác nhận rằng sẽ thu khoản phụ phí khí đốt theo kế hoạch đối với khách hàng có thể cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó, để cứu các công ty năng lượng khỏi nguy cơ phá sản trong những tháng tới.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa thể nói giá sẽ tăng bao nhiêu trong tháng 11, nhưng đáng tiếc là chắc chắn mỗi hộ gia đình phải trả thêm vài trăm euro".

Theo Guardian