1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Người đầu tiên khôi phục giọng nói nhờ ghép thanh quản

(Dân trí) - Một phụ nữ Mỹ đã có thể nói được trở lại lần đầu tiên sau 11 năm nhờ phẫu thuật cấy ghép thanh quản.

 
Người đầu tiên khôi phục giọng nói nhờ ghép thanh quản - 1
Brenda Jensen là người đầu tiên có thể nói trở lại sau khi được ghép thanh quản.
 
Người phụ nữ may mắn trên là Brenda Jensen. Cuộc phẫu thuật thần kỳ diễn ra ở California. 13 ngày sau ca phẫu thuật, cô đã nói được những từ đầu tiên : Xin chào, tôi muốn về nhà.

 

Đây là lần đầu tiên thanh quản và khí quản được phẫu thuật cấy ghép cùng lúc và là lần thứ hai thực hiện cấy ghép thanh quản.

 

Cô Jensen, 52 tuổi, đã không thể nói được sau khi thanh quản của cô bị hỏng trong một cuộc phẫu thuật vào năm 1999.

 

Chiếc ống dùng để giữ cho các lỗ khí mở đã làm tổn thương họng của Jensen và mô sẹo đã khiến cô không thở được. Kể từ đó, cô không thể ngửi, nếm được mùi thức ăn, chỉ thở được qua một lỗ trong đường khí quản và chỉ nói được với sự trợ giúp của một thanh quản điện tử.

 

Ca phẫu thuật tiên phong

 

Vào tháng 10, các bác sỹ phẫu thuật tại Trung tâm y tế Davis, Đại học California, đã lấy thanh quản, tuyến giáp và 6cm khí quản của một cơ thể được hiến tặng. Trong ca phẫu thuật kéo dài 18 tiếng, họ đã cấy ghép những phần trên vào họng Jensen.

 

13 ngày sau, cô đã có thể nói những từ đầu tiên và giờ có thể nói dễ dàng trong một khoảng thời gian dài. “Cuộc phẫu thuật đã phục hồi sự sống cho tôi. Tôi cảm thấy như được ban phước. Thật kỳ diệu. Tôi đang nói.”

 

Hiện Jensen cũng đang học lại cách nuốt. “Mỗi ngày là một khởi đầu mới đối với tôi. Tôi đã nỗ lực hết mình để dùng thanh quản của mình và luyện cho các cơ biết nuốt”.

 

Giáo sư Martin Birchall ở đại học London và là thành viên trong nhóm bác sỹ phẫu thuật cho biết: “Thanh quản là một trong những bộ phận phức tạp nhất của cơ thể con người”.

 

“Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể sửa chữa được hệ thần kinh, làm cho các bộ phận phức tạp hoạt động trở lại. Cuộc phẫu thuật mở rộng thêm cánh cửa cho các cuộc phẫu thuật cấy ghép mặt và sẽ vô cùng quan trọng khi ngành mô phát triển”.

 

Cấy ghép thanh quản tuy không phải là phẫu thuật cứu sống con người nhưng sẽ mang đến thay đổi kỳ diệu cho cuộc sống.

 

Phẫu thuật cấy ghép thanh quản rất hiếm, và theo tài liệu ghi chép, chỉ mới được thực hiện duy nhất một lần tại bệnh viện Cleveland, Mỹ vào năm 1998.

 

Người được cấy ghép phải uống thuốc kiềm hệ miễn dịch trong suốt phần đời còn lại. Và loại thuốc này có thể làm giảm tuổi thọ. Vì vậy bệnh nhân được cấy ghép chỉ trong những trường hợp nguy kịch đến tính mạng. Một trong những lý do khiến Jensen phù hợp để ghép thanh quản là bởi cô đã dùng thuốc kiềm hệ miễn dịch sau cuộc phẫu thuật ghép thận –tuyến tụy 4 năm trước.

Phan Anh

Theo BBC