1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người dân Pakistan đi bầu cử bất chấp đe dọa từ Taliban

(Dân trí) – Hôm nay, hàng triệu cử tri Pakistan sẽ tham gia cuộc bầu cử lịch sử đánh dấu một sự chuyển giao chính quyền dân chủ đầu tiên bất chấp những đe dọa khủng bố từ lực lượng Taliban.

Các thùng phiếu đã được chuyển tới điểm bầu cử
Các thùng phiếu đã được chuyển tới điểm bầu cử

Trong những ngày vận động bầu cử vừa qua, Taliban đã tuyên bố chế độ dân chủ là phi đạo Hồi và đã có hàng loạt cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các đảng phái thế tục chính. Hơn 120 người đã thiệt mạng khiến đợt bầu cử này bị xem là đẫm máu nhất lịch sử của Pakistan.

Các điểm bầu cử sẽ mở cửa vào 8 giờ sáng nay giờ địa phương, và đóng cửa vào 17 giờ cho hơn 86 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Họ sẽ bầu ra quốc hội gồm 342 thành viên và 4 hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các khu vực Khyber Pakhtunkhwa, Punjab, Sindh và Baluchistan.

Cuộc bầu cử này cũng đánh dấu lần đầu tiên một chính quyền dân cử hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ của mình và chuyển giao quyền lực cho những người kế nghiệm thông qua bầu cử. Trước đó Pakistan có tới quá nửa thời gian bị cai trị bởi quân đội với 3 cuộc đảo chính và 4 nhà cầm quyền quân sự.

Hiện tại những người được đánh giá có cơ hội đắc cử cao nhất là đảng trung tả Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu thủ tướng Nawaz Sharif. Tuy nhiên trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, một “ngôi sao” khác đã nổi lên đó là vận động viên cricket nổi tiếng Imran Khan với những cam kết về cải cách và chấm dứt nạn tham nhũng.

Nhà lãnh đạo 60 tuổi với tài hùng biện này của đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) nhận được tỷ lệ ủng hộ cao ở những phút cuối trong chiến dịch vận động tranh cử. Trước đó ông đã bị chấn thương cột sống do ngã từ sân khấu trong một đợt vận động cử tri hôm thứ Ba vừa qua.

Đảng của nhân dân Pakistan (PPP), một đảng theo đường lối trung tả, lại có một chiến dịch tranh cử bị đánh giá là mờ nhạt và không có người chèo lái khi chủ tịch của họ, ông Bilawal Bhutto Zardari, bị xem là quá trẻ để ứng cử và không được chú ý do những đe dọa từ Taliban.

Tỷ lệ cử tri tham dự bầu cử sẽ có ý nghĩa quyết định với chiến thắng của các đảng phái. Các nhà bình luận hiện cũng chia rẽ về việc liệu sự háo hức của một lớp những cử tri lần đầu được đi bầu cử có vượt qua được những đe dọa từ Taliban hay không. Trong đợt bầu cử trước vào năm 2008, chỉ có 44% cử tri Pakistan đi bỏ phiếu.

Hiện tại những khó khăn chính Pakistan đang phải đối mặt đó là một nền kinh tế suy yếu, khủng hoảng năng lượng lan rộng do điện bị cắt tới 20 giờ mỗi ngày, mối liên minh các lực lượng do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại các phiến quân Hồi giáo, nạn tham nhũng triền miên và nhu cầu rất lớn về phát triển.

Để bảo vệ an ninh cho ngày bầu cử, hơn 600.000 nhân viên an ninh đã được huy động trên khắp cả nước Pakistan trong khi có tới một nửa trong tổng số 70.000 điểm bỏ phiếu bị xem là có khả năng bị tấn công. Rất nhiều trong số này nằm trong vùng thường xuyên bị phiến quân đánh phá tại Baluchistan và khu vực Đông Bắc.

Suốt nhiều thập kỷ qua, đảng PML-N và PPP luôn là những lực lượng chiếm ưu thế trên chính trường Pakistan. Các đảng này do hai gia tộc giàu có nhất nước lãnh đạo là gia đình Sharif và gia đình Bhutto.

Dù chưa có một kết quả khảo sát nào được xem là đáng tin cậy, ông Sharif được xem như người có khả năng chiến thắng cao nhất. Tuy nhiên nếu đảng PTI giành được kết quả khả quan để trở thành một lực lượng đáng kể, có khả năng chính phủ liên minh sau đó sẽ yếu thế và khó tồn tại lâu.

Thanh Tùng
Theo AFP