1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngư dân Trung Quốc giàu lên từ tàn phá hệ sinh thái Biển Đông

(Dân trí) - Trước nhu cầu mua sắm các đồ trang sức làm từ vỏ loài trai khổng lồ sinh sống trong lòng Biển Đông ngày một tăng, các tàu cá Trung Quốc đang ngày ngày hủy hoại hệ sinh thái tại đây vì lợi ích kinh tế và thỏa mãn thú khoe mẽ của giới nhà giàu.

Từ năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã cấm hoạt động đánh bắt các loại trai khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng, tuy nhiên tại thị trấn nhỏ Tanmen trên đảo Hải Nam, hầu hết các cửa hàng vẫn bán những sản phẩm được làm từ vỏ của những con trai có chiều rộng tới 1,2m.

Vỏ những con trai khổng lồ là đồ mỹ nghệ rất được giới nhà giàu Trung Quốc ưa thích. (Ảnh: RT)
Vỏ những con trai khổng lồ là đồ mỹ nghệ rất được giới nhà giàu Trung Quốc ưa thích. (Ảnh: RT)

Chỉ trong vòng 3 năm qua, nhờ hoạt động đánh bắt trai quy mô công nghiệp, ngôi làng đánh cá nhỏ, im lìm này giờ đã chuyển mình. Tại đây có khoảng 460 cơ sở kinh doanh hàng thủ công, gấp hơn 30 lần so với thời điểm 2012. Hiện ngành kinh doanh này đang nuôi sống cho khoảng 100.000 cư dân trên đảo.

Giá của những con trai khổng lồ cũng đã tăng tới 40 lần trong 5 năm qua. Nhưng đi đôi với hoạt động khai thác sinh vật biển quá mức là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các rạn san hô tại Biển Đông, các nhà khoa học cùng các học giả cho biết.

“Với tình trạng căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, vai trò quan trọng của ngư dân Tanmen trong củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng nước tranh chấp cũng như hỗ trợ Hải quân Trung Quốc giờ đã được chính phủ nước này ghi nhận”, Zhang Hongzhou, một chuyên gia đến từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore khẳng định. “Hệ quả là cơ quan chức năng đã ngó lơ” cho các hoạt động tàn phá hệ sinh thái này.

Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, và đối đầu với nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Philippines. Khu vực này là nơi cung cấp hơn 10% sản lượng thủy sản toàn cầu.

Chính quyền huyện Qionghai, quản lý thị trấn Tanmen, hồi tháng 3/2015 tuyên bố sẽ thực thi nghiêm túc lệnh cấm đánh bắt, vận chuyển và bán các loài thủy sản nguy hại, bao gồm những con trai khổng lồ.

“Chính quyền đang thực thi lệnh cấm”, Zhang Hongying, một quan chức tại văn phòng ngoại vụ, chính quyền huyện Qionghai khẳng định. Một viên chức khác có tên Zhao khẳng định cơ quan chức năng không có bất kỳ hỗ trợ nào cho ngành này.

Hoạt động khai thác những con trai biển khổng lồ thường đi đôi với hủy hoại san hô ở đáy biển. (Ảnh: RT)
Hoạt động khai thác những con trai biển khổng lồ thường đi đôi với hủy hoại san hô ở đáy biển. (Ảnh: RT)

“Nếu hoạt động kinh doanh là hợp pháp, chính quyền sẽ không ngăn cản người dân làm việc đó. Nhưng không có hồ sơ của chính phủ nào khẳng định chúng tôi sẽ làm gì đó để khuyến khích ngành khai thác trai lấy vỏ”, Zhao nói.

Ngư dân thì cho biết họ đã không được phép khai thác những con trai khổng lồ từ năm ngoái, trong khi chủ các cửa hàng khẳng định nguồn cung hàng mới hiện khá khó khăn.

Để khai thác được loài trai này, toàn bộ rạn san hô sẽ bị đào bới lên, Neo Mei Lin, một nhà sinh vật biển học, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định.

“Các khu vực từng là những rạn san hô trù phú rõ ràng đã bị tàn phá trong vòng 2-3 năm qua”, Lin cho biết.

Thu nhập của ngư dân Tanmen đã tăng hơn 3 lần trong vòng 3 năm qua, theo số liệu của báo giới địa phương, trong khi thị trấn này đã được đô thị hóa nhanh chóng với những con đường được trải phựa phẳng cùng nhiều tòa nhà hiện đại.

“Tôi cho rằng cư dân đảo Hải Nam đã khai thác mọi con trai khổng lồ có dưới lòng Biển Đông, dù còn sống hay chết”, Ed Gomez, cố vấn cấp cao Viện Khoa học Hàng hải, Đại học Philippines nhận định.

Dù vậy trong một chuyến tham quan Tanmen gần đây, hầu hết các cửa hàng nằm dọc theo khu vực cảng đã trống rỗng. Nhiều người bán hàng cho biết hoạt động kinh doanh sụt giảm từ hồi tháng 4, do tình hình kinh tế Trung Quốc khó khăn cùng hoạt nhiệt độ tăng cao.

“Hiện không còn du khách nào. Chúng tôi phải đợi tới tháng 9”, Yu Guo, chủ một cửa hàng mỹ nghệ có tên Xianyu Xuan cho biết. Ông Yu, người Bắc Kinh, đã tới Tanmen để mua bất động sản cách đây 4 năm, và mở cửa hàng chung với một đối tác tại Hải Nam.

“Trong thời kỳ thuận lợi, chúng tôi có thể kiếm được tới 10 triệu nhân dân tệ (1,52 triệu USD) mỗi tháng”, thương nhân này cho biết.

Thanh Tùng

Tổng hợp