Ngoại trưởng Mỹ sẽ cứng rắn với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc chắn sẽ khẳng định cam kết của Washington nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông khi ông có chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này, một quan chức cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ ngày 13/5 tiết lộ.
Theo quan chức trên, trong cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kerry có thể cảnh báo rằng công tác cải tạo của Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp có thể gây hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực, cũng như đối với mối quan hệ với Mỹ.
"Ông ấy (Kerry) chắc chắn sẽ nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ luôn cam kết duy trì tự do hàng hải và để đảm bảo các lợi hợp pháp của chúng ta liên quan tới hàng không và di chuyển trên biển", quan chức trên nói.
Ông Kerry "có thể sẽ nhấn mạnh... các hệ quả rất tiêu cực đối với hình ảnh của Bắc Kinh và mối quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng và có thể là cả mối quan hệ Mỹ-Trung do các nỗ lực cải tạo quy mô lớn của Bắc Kinh và hành động của họ nói chung ở Biển Đông".
Trước đó, hôm 12/5, một quan chức của Mỹ cho hay Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa các tàu và máy bay quân sự để khẳng định tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đáp trả bằng việc nói rằng Bắc Kinh "đặc biệt lo ngại" về kế hoạch của Mỹ và yêu cầu Washington giải thích rõ.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 13/5 nói rằng tự do hàng hải không có nghĩa là tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể tùy ý đi vào lãnh hải hoặc không phận của nước khác.
"Chúng tôi yêu cầu bên liên quan phát biểu và hành động thận trọng và không nên có bất kỳ hành động khiêu khích hoặc liều lĩnh nào nhằm duy trì ổn định và hòa bình khu vực", bà Hoa nói.
Nhưng quan chức Bộ ngoại giao Mỹ đã bác bỏ bình luận rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn cho phép Trung Quốc có quyền đối với các tuyên bố chủ quyền.
"Không cần biết là Trung Quốc đã đổ bao nhiêu đống cát lên các bãi đá ngầm, điều đó không trợ giúp các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Bạn không thể xây dựng chủ quyền", quan chức Mỹ nói.
Sẽ có hành động thích hợp và hiệu quả
Trong một diễn biến liên quan, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ về quốc phòng David Shear ngày 13/5 cho biết trong một cuộc điều trần của quốc hội rằng Mỹ có quyền đi lại tại các khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
"Chúng tôi đang xem xét các hàm ý quân sự của việc cải tạo đất và cam kết sẽ có hành động thích hợp và hiệu quả", ông Shear nói, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng "câu hỏi về việc hải quân Mỹ sẽ làm gì và không làm gì là điều mà Trung Quốc hoàn toàn có thể đặt ra" với ông Kerry tại Bắc Kinh, nơi ông dự kiến tới đây vào thứ Bảy để gặp gỡ các quan chức dân sự và quân sự sở tại.
Chuyến thăm của ông Kerry nhằm chuẩn bị cho Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung thường niên vào tháng tới tại Washington và chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình tới Washington trong tháng 9 năm nay. Nhưng sự đối đầu chiến lược ngày càng gia tăng đang phủ bóng hợp tác giữa hai nước.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và đang tiến hành công tác cải tạo tại ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hồi tháng trước, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, cảnh báo rằng Trung Quốc cuối cùng có thể triển khai radar và các hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng ở Trường Sa, chuẩn bị cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
An Bình