Mỹ xem xét điều tàu, máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc
(Dân trí) - Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều các máy bay và tàu quân sự để khẳng định tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc gia tăng xây dựng ở Biển Đông, một quan chức Mỹ ngày 12/5 cho biết.
Theo quan chức trên, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đề xuất các phương án, bao gồm việc điều các máy bay và tàu quân sự của Mỹ vào khu vực các bãi đá 12 hải lý nơi Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Một động thái thư vậy có thể thách thức trực tiếp các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của nước này trong khu vực tranh chấp bằng cách bồi đắp đất đai thông qua hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn.
"Chúng tôi đang cân nhắc làm thế nào để chứng tỏ tự do hàng hải trong khu vực, vốn là sống còn đối với thương mại thế giới", quan chức Mỹ giấu tên nói, cho biết thêm rằng bất kỳ phương án nào cũng cần được Nhà Trắng phê chuẩn.
Đề xuất của ông Carter về việc vạch ra các phương án, trong đó có việc sử dụng tàu và máy bay quân sự Mỹ, đã được tờ Wall Street Journal đăng tải ngày 12/5.
Lầu Năm Góc hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Việc điều các tàu và máy bay tới gần quần đảo Trường Sa phù hợp các hoạt động "Tự do hàng hải" thông thường của quân đội Mỹ, mà Mỹ thực hiện hồi năm ngoái nhằm thách thức tuyên bố lãnh hải của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy kể từ tháng 4/2014, Trung Quốc đã tiến hành công tác cải tạo tại 7 địa điểm thuộc Trường Sa và đang xây dựng một đường băng quy mô quân sự trên một đảo nhân đạo và có thể là một đường băng thứ 2.
Các bức ảnh khác còn cho thấy Trung Quốc đang mở rộng một đường băng khác ở quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông, một tuyến đường biển quan trọng với giá trị thương mại vận tải biển đạt 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 810 ha đất tại quần đảo Trường Sa kể từ đầu năm 2014, theo ước tính của Mỹ.
"Mỹ và các đồng minh có quan điểm rất khác nhau so với Trung Quốc về các quy định đi lại ở Biển Đông", quan chức Mỹ trên cho biết.
Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của Nhật Bản và Mỹ hồi năm 2013 khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, trong đó các máy bay đi qua phải công bố thông tin cho giới chức Trung Quốc.
Mỹ đã đáp trả bằng cách điều các máy bay ném bom B-52 bay qua vùng đó để phô trương lực lượng.
An Bình