1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngoại trưởng Mỹ lần đầu công du Nga nhằm xoa dịu căng thẳng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/5 lên đường thực hiện một trong những sứ mệnh ngoại giao nhạy cảm nhất của ông cho tới thời điểm này: đó là tìm cách phục hồi mối quan hệ nhiều cọ sát với “tay chơi” chính Mátxcơva vào thời điểm mà thế giới có nhiều bất ổn.

Ngoại trưởng Mỹ lần đầu công du Nga nhằm xoa dịu căng thẳng

 

Từ Syria cho tới vụ đánh bom ở Boston, phòng thủ tên lửa, Iran, Triều Tiên và những tranh cãi quanh lệnh cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga, đến viếc đóng cửa các cơ quan viện trợ Mỹ đều nằm trong danh sách những “bòng bong” đang đợi được giải quyết.

 

“Có quá nhiều ưu tiên trong chương trình nghị sự khi ông tới đó” chuyên gia về Nga Fiona Hill, giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings nhận định.

 

Mặc dù ông Kerry đã biết nhiều người trong ban lãnh đạo Nga từ thời ông còn là thượng nghị sỹ, nhưng đây là chuyến công du đầu tiên của ông tới Mátxcơva kể từ khi đảm nhiệm chức ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2 vừa qua.

 

Mối quan hệ Nga-Mỹ, nổi tiếng với nút tái khởi động dưới thời người tiền nhiệm của ông Kerry, ngoại trưởng Hillary Clinton, đã bị trượt xuống mức tồi tệ mới kể từ khi ông Putin trở lại nắm quyền ở Kremlin vào tháng 5/2012.

 

Giới phân tích dự đoán rất dè dặt về tiến triển đạt được, mặc dù có thông tin ông Kerry dự kiến gặp ông Putin vào thứ ba tới, trong bước “phá rào” nghi thức ngoại giao của Mátxcơva.

 

“Rõ ràng một trong những điểm chính của chuyến công du là nhằm xóa bỏ tất cả những công kích, và cố gắng tìm cách xem liệu có một số lĩnh vực cụ thể nào có thể thúc đẩy”, Hill cho hay. “Nếu chỉ cần có tia sáng hiếm hoi chứng tỏ Nga có thiện chí đưa mọi việc lên mức chân thành hơn, ít nhất là trong lúc này, thì đó đã là một thành công rồi”.

 

Thời điểm diễn ra chuyến công du 2 ngày cũng được đánh giá là quan trọng. Nó diễn ra ngay sau vụ đánh bom khủng bố nhằm vào cuộc đua marathon Boston vào tháng trước, mà nghi phạm chính là 2 anh em gốc Chechnya. Ngoài ra, lúc này Mỹ cũng đang lo ngại vũ khí hóa học có thể đã được sử dụng trong cuộc chiến ở Syria.

 

Ông Kerry có nhiệm vụ là tìm cách nới lỏng mối quan hệ thân thiết của Mátxcơva với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng cách kéo Nga chia sẻ mối lo về vũ khí hóa học.

 

Thời gian qua, đã có nhiều thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Obama có thể đang xem xét tài trợ vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Nhưng đây cũng có thể là cách nhằm gây áp lực đối với Mátxcơva, buộc họ dùng ảnh hưởng của mình để hối thúc ông Assad ngừng gây đổ máu.

 

Tuy nhiên, chuyên gia Hill cho rằng “người Nga sẽ không đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào”. Bởi Nga “không thấy có lợi ích để đồng thuận với phe đối lập” Syria và cũng “không thấy có bất kỳ triển vọng ổn định nào qua việc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy”.

 

Chuyên gia Matthew Rojansky cũng cho rằng, “Nga không ủng hộ chết chóc thêm cũng như bạo lực. Họ đơn giản là lo ngại rằng bước kế tiếp sẽ là một nhà nước Hồi giáo không ai có thể kiềm tỏa được”.

 

Mặc dù quan hệ căng thẳng, hai nước vẫn tìm cách hợp tác trên vấn đề Iran, chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

 

And Rojansky, phó giám đốc chương trình Nga và châu Âu tại cơ quan Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, nhận xét, nhất là sau các vụ tấn công Boston, những tương tác ở cấp cao như thế là “tích cực”.

 

Về phần mình, Nga sẽ muốn nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ làm rõ về quyết định gần đây của Mỹ, bỏ giai đoạn cuối của tấm lá chắn tên lửa châu Âu để triển khai các tên lửa đánh chặn mới phòng trường hợp bị Triều Tiên tấn công.

 

Năm ngoái, Mátxcơva đã đóng cửa cơ quan phát triển Mỹ USAID và sau đó cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, sau khi Washington thông qua luật nhằm vào các quan chức Nga bị tình nghi lạm dụng nhân quyền. Giới chuyên gia tin rằng, chắc chắn ông Putin sẽ không thay đổi trong bất kỳ vấn đề nào.

 

Vũ Quý

Theo AFP