Nghi vấn Trung Quốc đặt cơ sở bảo trì tên lửa sát vách Ấn Độ
(Dân trí) - Trung Quốc được cho là đã đạt được thỏa thuận đặt cơ sở bảo trì tên lửa ở Bangladesh, quốc gia đồng minh và láng giềng của Ấn Độ - động thái có thể khiến New Delhi quan ngại.
Nikkei dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao cấp cao Bangladesh cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị đặt một cơ sở bảo trì tên lửa đất đối không ở Bangladesh. Đây là cơ sở phục vụ cho các tên lửa mà Trung Quốc cung cấp cho Bangladesh từ năm 2011.
Cơ sở bảo trì tên lửa, trong đó công ty Vanguard của Trung Quốc là đối tác, là một phần trong chuỗi các khoản đầu tư và thương vụ vũ khí mà Trung Quốc cung cấp cho Bangladesh, bao gồm tàu chiến, pháo hải quân, tên lửa chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Thụy Điển, Bangladesh chiếm khoảng 17% tổng số doanh số xuất khẩu quân sự của Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2020, trở thành khách hàng vũ khí lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Pakistan.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với Nikkei rằng, mặc dù Bangladesh coi mình là "đồng minh thân thiết" của Ấn Độ, nhưng họ cũng muốn duy trì quan hệ thương mại và quân sự chặt chẽ với Trung Quốc.
Ông nói: "Trung Quốc và Bangladesh đã ký một hiệp ước hợp tác quốc phòng vào năm 2002, bao gồm cả sản xuất vũ khí. Và quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc hơn, với việc các quân nhân của Bangladesh cũng được gửi đến Học viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc để đào tạo".
Năm 2016, Bangladesh mua 2 tàu ngầm từ Trung Quốc để tăng cường sức mạnh hải quân, với chi phí 203 triệu USD. Hợp đồng này gây phản ứng trái chiều vì các thiết bị quân sự của Trung Quốc từng xảy ra các vấn đề liên quan tới chất lượng. Các tên lửa F-90 do Trung Quốc cung cấp cũng từng gây tranh cãi ở Bangladesh vào năm ngoái do trục trặc kỹ thuật.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng dự đoán rằng quan hệ đối tác quân sự ngày càng phát triển và mạnh mẽ của Bangladesh với Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Ấn Độ.
Chuyên gia Srikanth Kondapalli tại đại học Jawaharlal (Ấn Độ) nhận định: "Việc thiết lập một cơ sở tên lửa, cũng như quan hệ quân sự ngày càng nồng ấm giữa Trung Quốc với Bangladesh giống như Bắc Kinh đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Ấn Độ rằng Bangladesh có thể sẽ đi vào quỹ đạo của Trung Quốc". Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để nâng cao hơn nữa tầm ảnh hưởng của họ tại đất nước láng giềng với Ấn Độ.
Ông Kondapalli lưu ý, quan hệ giữa Bangladesh và Trung Quốc tới nay chưa gây ra mối đe dọa trực tiếp nào tới New Delhi, và Ấn Độ cũng không thể phản đối quan hệ quân sự giữa 2 nước vì họ đều là các quốc gia có chủ quyền.
Trong những năm qua, Ấn Độ cũng gia tăng các động thái nhằm tạo dựng tầm ảnh hưởng tại Bangladesh, thông qua việc cấp hạn mức tín dụng 500 triệu USD cho Bangladesh để nhập khẩu quốc phòng, cùng với những ưu đãi khác.
Các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ cần phải thận trọng trong các bước đi trước việc Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Nam Á và các quốc gia Ấn Độ Dương. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho rằng, Nam Á đang ngày càng trở thành một điểm nóng của cạnh tranh giữa các nước lớn.