1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga xem xét rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga cho biết nước này sẽ cân nhắc việc hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra khả năng nối lại thử nghiệm hạt nhân.

Nga xem xét rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân - 1

Một bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga ở trung tâm Moscow, Nga (Ảnh: AFP/Getty).

Ông Putin hôm 5/10 cho biết học thuyết hạt nhân của Nga - trong đó đặt ra các điều kiện nhấn nút hạt nhân - không cần cập nhật. Tuy nhiên, ông vẫn chưa sẵn sàng để nói liệu Nga có cần nối lại các vụ thử hạt nhân hay không.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, Nga có thể xem xét việc rút khỏi CTBT vì Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

Chỉ vài giờ sau bình luận của ông Putin, Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cho biết cơ quan này sẽ nhanh chóng xem xét vấn đề liệu có cần thiết hủy phê chuẩn hiệp ước nói trên hay không.

"Tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Duma Quốc gia, chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về vấn đề hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện", Ông Volodin nói.

Nga xem xét rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân - 2

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin (Ảnh: Duma Quốc gia Nga).

Bình luận của ông Putin và ông Volodin cho thấy rằng nước Nga đang nghiêm túc xem xét việc thu hồi việc phê chuẩn CTBT. Hiệp ước này cấm các vụ thử hạt nhân trên mọi lĩnh vực và trong mọi điều kiện, một cách toàn diện và tuyệt đối.

Việc Nga, Mỹ hoặc Trung Quốc nối lại các vụ thử hạt nhân có thể cho thấy sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc từng ngừng thử nghiệm hạt nhân trong thời gian sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân tính đến năm 2023, so với 5.244 đầu đạn của Mỹ. Trung Quốc có tổng cộng 410 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225.

Hiệp ước CTBT được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1996 nhưng tới nay chưa có hiệu lực vì 8 quốc gia chưa ký hoặc phê chuẩn hiệp ước, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel, Mỹ, Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.

Theo Reuters, TASS