Nga vẫn bảo đảm cung cấp khí đốt cho châu Âu
Lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu qua các đường ống dẫn ở Ukraine đã dần trở lại như bình thường vào hôm qua, 3/1, sau 2 ngày giảm sút do Moscow ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine.
Nhiều quan chức châu Âu trong đó có Bộ trưởng Kinh tế Áo Martin Bartenstein bày tỏ sự hài lòng vì công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom đã giữ đúng cam kết phục hồi nguồn cung cấp. Gazprom tuyên bố đã bơm thêm 95 triệu m3 khí đốt mỗi ngày.
Tuy nhiên, bất đồng về giá khí đốt Nga - Ukraine vẫn chưa lắng dịu và châu Âu đang nỗ lực giúp xúc tiến thương lượng. Văn phòng báo chí của Chính phủ Đức tuyên bố hôm 3/1 rằng Đức sẽ ủng hộ một thỏa hiệp giữa Nga và Ukraine trên quyền lợi của cả hai bên về giá khí đốt.
Trước đó, người phụ trách chính sách ngoại vụ Liên hiệp châu Âu (EU) Javier Solana tuyên bố ông sẽ cố gắng thuyết phục hai bên thương lượng. Tổng thống (TT) Ukraine Viktor Yushchenko đã tiếp xúc với đại sứ các nước EU, Mỹ và Nhật Bản thảo luận về vấn đề này, đồng thời kêu gọi các chuyên gia và trọng tài quốc tế can thiệp vào cuộc tranh chấp. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy hôm 2-1 cho rằng Nga và Ukraine nên thanh toán theo giá thị trường các nguồn năng lượng nhằm bảo đảm tính hiệu quả của nền kinh tế.
Trong một cuộc họp khác hôm 2/1, Bộ trưởng Năng lượng và Nhiên liệu Ukraine Ivan Plachkov nói rằng Ukraine không rút khí đốt của Nga trong đường ống dành cho các nước châu Âu mà dùng lượng khí đốt dự trữ của mình và nhập từ Turkmenistan. Tuyên bố này trái với cáo buộc trước đó của Gazprom rằng Ukraine đã rút bớt khoảng 100 triệu m3 khí đốt trị giá 25 triệu USD. Để khẳng định việc này, Nga đã thuê công ty quốc tế SGS giám định lượng khí tự nhiên tình nghi bị Ukraine lấy cắp.
Trong khi đó Moldova - một trong những nước thuộc Liên Xô trước đây hiện trả tiền khí đốt cho Nga với giá 80 USD/1.000 m3 - cũng đang lên tiếng phản đối trước dự kiến tăng giá của Gazprom. Tuy nhiên Gazprom hôm 2-1 tuyên bố rằng một hợp đồng với Moldova sẽ sớm được ký kết.
Theo L. Nguyễn
Người lao động/RIA, Reuters, AFP