1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga vạ lây tại G7 vì Trung Quốc?

Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn với Nga vì những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Đức, Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ lập trường của các nước còn lại trong nhóm và tỏ thái độ khá cứng rắn đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Kết thúc hội nghị, Nhật Bản đã cùng các nước thành viên G7 khác (Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy) lên tiếng cảnh báo Nga với những ngôn từ cứng rắn hơn dự đoán. Nhật Bản - nước đăng cai hội nghị Nhóm G-7 năm 2016, cũng bày tỏ "tình đoàn kết với Ukraine".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G7
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Giới phân tích cho rằng sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Tokyo một phần cũng xuất phát từ những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây.

Tờ Thời báo Tài chính nhận định tuyên bố chủ quyền và các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy nước này đến chỗ tranh chấp và bất hòa với các quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, việc Nhật Bản điều chỉnh lập trường theo hướng cứng rắn hơn đối với Nga phần nào cũng nhắm vào những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong tuyên bố chung, Nhóm G7 bày tỏ quan ngại rằng những cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine có thể làm xói mòn luật pháp quốc tế và an ninh toàn cầu. Sự điều chỉnh quan điểm của Nhật Bản có thể khiến sức ép gia tăng nhằm vào Nga ngay trước thời điểm Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị thượng đỉnh để xem xét việc gia hạn lệnh trừng phạt chống Moskva.

Trong khi Nhật Bản thể hiện thái độ cứng rắn thì cùng ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tại Kuril - chuỗi đảo ở Thái Bình Dương mà Moskva và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu đưa ra chỉ thị trên tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông khi đi thị sát quân khu miền Đông. Tuy nhiên, bộ này không cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch.

Tranh chấp liên quan đến quần đảo trên, được biết đến là quần đảo Kuril hiện do Nga kiểm soát, còn Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc (nằm ở phía Bắc Hokkaido), đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhật Bản tuyên bố quần đảo trên là một phần lãnh thổ của nước này và muốn Moskva trao trả lại. Việc Moskva liên tục các quan chức tới thăm quần đảo này và tăng cường hoạt động quân sự được đánh giá là hành động chọc tức Tokyo.

Dù thể hiện lập trường cứng rắn là cần duy trì các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan đến tình hình Ukraine, song cũng trong ngày 8/6, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết tại Hội nghị G7, Thủ tướng nước này Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ tiếp tục đối thoại với Nga.

Ông Seko nói: "Nhật Bản cùng với các thành viên khác của G-7 có lập trường kiên quyết trước những nỗ lực của Nga nhằm sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải tiếp tục đối thoại với Nga, bao gồm cả về các vấn đề trong khu vực".

Thời gian qua, báo chí Nga đề cập nhiều tới nỗ lực cải thiện quan hệ Nga-Nhật. Mới đây, Báo Độc lập của Nga cho rằng trong suốt 3 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố gắng cải thiện quan hệ với Nga song bị Mỹ cản trở.

Ví dụ điển hình là hồi năm ngoái, ông Abe đã kiên quyết có mặt tại Olympic Sochi do Nga đăng cai, bất chấp các đồng minh khác của Mỹ tẩy chay. Nhưng đến Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít thì ông Abe đã không thể có mặt ở Moskva do sự cản trở của Mỹ.

Theo báo chí Nga, trong chuyến thăm Mỹ trước đó, ông Abe đã cố gắng giải thích để Tổng thống Obama hiểu rằng sự có mặt của ông tại Moskva là cần thiết, như một đối trọng với sự có mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Mạc Kính
Đất Việt