1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga và Bắc Kinh thực sự là liên minh?

Khi mối quan hệ của Moscow với phương Tây tiếp tục xấu đi, Nga công khai tập trung vào cái gọi là “trục xoay châu Á” mà tâm điểm là đào sâu mối quan hệ với Trung Quốc.

Nga và Bắc Kinh thực sự liên minh?

Ngoài những tuyên bố, do lợi ích chồng chéo giữa Moscow và Bắc Kinh mà người ta hồ nghi rằng, liệu hai bên có thực sự trở thành một liên minh?

Nga và Trung Quốc chia sẻ một số lợi ích quan trọng, bắt đầu với năng lượng. Sau gần một thập niên đàm phán, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin đã ký thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỉ USD về việc Nga cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm cho TQ. Khí sẽ tới TQ từ các mỏ ở vùng đông Siberia xa xôi qua hệ thống ống dẫn dự kiến dài 4.000 km.

Ngoài dự án “lộ trình đông” nói trên, Putin gần đây còn khẳng định rằng, hai bên đang thương thảo về dự án ống dẫn “lộ trình tây” dẫn khí từ Altai đến tây bắc Trung Quốc.

Hợp tác quân sự là một cực khác đang phát triển khá nhanh chóng trong quan hệ song phương. Đầu năm nay, Nga và Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở Hoa Đông. Theo hãng thông tấn Itar Tass của Nga, hai bên sẽ thực hiện thêm hai cuộc tập trận chung về hải quân năm tới, một ở Thái Bình Dương và một ở Địa Trung Hải.

Ảnh: mercopress

Ảnh: mercopress

Nga từ lâu đã bán khá nhiều vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Trong suốt những năm 1990 và đầu 2000, Trung Quốc trở thành khách hàng vũ khí chính của Nga, cũng là bên đóng vai trò quan trọng giữ vững sự tồn tại của các khu liên hợp công nghiệp quân sự Nga sau khi các đơn hàng nội địa sụt giảm bởi sự tan rã của Liên Xô.

Hiện tại, sau một số năm gián đoạn, Nga và Trung Quốc lại tiếp tục thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí mới. Lần này là với loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga Su35 cũng như hệ thống tên lửa S-400.

Cuối cùng, Nga và Trung Quốc chia sẻ tương đồng ở hầu hết các vấn đề toàn cầu. Về mặt ý thức hệ, hai nước khẳng định các quốc gia không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và từ lâu đều không vui vẻ gì với việc Mỹ tập trung vào thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Hai cường quốc Âu Á cũng chia sẻ mục tiêu địa chính trị của một thế giới đa cực thay vì chỉ do Mỹ dẫn dắt. Theo quan điểm của Moscow, việc NATO mở rộng cũng như chuyện phương Tây can thiệp vào Ukraina chính là chiến lược của Mỹ nhằm bao vây, kiềm chế Nga. Tương tự như vậy, Bắc Kinh xem chiến lược “trục xoay” châu Á mà Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng đơn giản là để ngăn chặn TQ khôi phục vai trò là cường quốc hàng đầu ở châu Á.

Bất cân xứng

Quan sát sâu hơn vào mối quan hệ Moscow – Bắc Kinh, một số nhà phân tích đã đi khá xa khi nói rằng, Nga và Trung Quốc có khả năng hình thành cái gọi là “Nato Âu Á” chiếm lĩnh vùng rộng lớn từ Âu sang Á và thách thức Mỹ. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế hơn, có thể thấy sự kết hợp giữa các lợi ích khu vực khác nhau, sự tồn tại mối hoài nghi – chủ yếu là Nga quan ngại Trung Quốc trỗi dậy – làm cho sự hình thành liên minh Moscow và Bắc Kinh chỉ mang tính cố kết.

Một vấn đề quan trọng hạn chế liên minh thực sự Nga và Trung Quốc đó là mất cân bằng quyền lực giữa hai bên. Trong khi nền kinh tế hai nước ở mức tương đồng thời Liên Xô thì hiện tại, kinh tế Trung Quốc đã gấp 5 lần Nga và tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Khác với những năm 1950, khi Trung Quốc tự liên minh với Liên Xô và chấp thuận ưu thế Moscow thì ngày nay, rõ ràng là Nga thua kém xa đối tác.

Một ví dụ về sự chênh lệch quyền lực giữa Nga và Trung Quốc có thể thấy qua hợp đồng khí đốt 400 tỉ USD mà Putin ký với Trung Quốc trong tháng 5. Trong khi Nga hiểu 25 tỉ USD mà Trung Quốc thanh toán là trả trước cho khí đốt được cung cấp, thì Trung Quốc lại nói rằng, đơn giản đó là một khoản vay có lãi suất. Nghĩa là, thỏa thuận còn ở xa ngưỡng hoàn tất.

Trong khi đó, dự án “lộ trình tây” mới chỉ được thảo luận ở mức “làm việc nhóm” giữa Gazprom và công ty dầu khí Trung Quốc CNPC.

"Mặc dù có nhiều lời cường điệu liên quan tới một đối tác kinh tế chiến lược, nhưng thời điểm này, tiền không đến từ phía Trung Quốc. Trung Quốc là những người thương thảo rất cứng rắn, và họ sẽ tận dụng mọi điểm yếu của Nga khi có thể”, Stephen Blank, nhà nghiên cứu cấp cao về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ cho biết.

Hơn thế nữa, rất nhiều người Nga lo ngại rằng, Trung Quốc thực sự chỉ xem Nga không khác gì là nước cung cấp nguồn nguyên liệu thô, tương tự như châu Phi. Moscow đang chứng kiến một Trung Quốc nghèo tài nguyên với 1,3 tỉ dân đang ngày càng tăng cường hiện diện tại Siberia. Họ lo rằng thậm chí không cần Bắc Kinh hành động quân sự, thì vùng Viễn Đông của Nga cuối cùng có thể chịu ảnh hưởng kinh tế và sau là chính trị của Trung Quốc.

Khả năng quân sự của Trung Quốc là vấn đề khác. Như nhà phân tích Dmitry Trenin nhận định, Nga tin là Trung Quốc đang tập trung quân sự ở phía đông và nam giáp Nhật Bản và Biển Đông. Tuy nhiên, với lợi thế kinh tế và nhân khẩu, Nga hiểu một ngày nào đó, tham vọng của Bắc Kinh có thể dễ dàng chuyển hướng lên phía bắc.

Trong thực tế, các cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của Nga tới thời điểm này – gồm 160.000 quân, 5.000 xe tăng và hàng loạt tàu chiến, máy bay – đều diễn ra ở vùng Viễn Đông, giáp biên giới Trung Quốc. Nghĩa là, có thể hiểu rằng, bằng các cuộc diễn tập quy mô lớn, Moscow đang “đe” Bắc Kinh.

Mối quan tâm bấy lâu của Moscow trong việc kết thúc hay sửa đổi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 giữa Nga và Mỹ một phần cũng bắt nguồn từ mong muốn của Kremlin trong việc duy trì khả năng ngăn chặn mạnh mẽ tại sườn phía đông xa xôi.

Mặc dù Moscow đã bước xa khỏi con đường đối kháng với Trung Quốc, nhưng Kremlin cũng không ngại ngần thúc đẩy các mối quan hệ với những cường quốc châu Á khác – mà rất nhiều trong số đó có sự khác biệt với Bắc Kinh.

Ví dụ trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây – nước mà Trung Quốc có sự cạnh tranh chiến lược ngày càng lớn – Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tái khẳng định liên minh lâu năm của hai nước. Ông Modi mô tả Nga là một “trụ cột sức mạnh” của nước ông. Hai bên cũng ký nhiều thỏa thuận phát triển vũ khí cũng như Nga sẽ xây 10 nhà máy điện hạt nhân mới cho Ấn Độ.

Tóm lại, mặc dù Putin hoan nghênh cơ hội hợp tác với Trung Quốc để thách thức Mỹ, thì nỗi lo ngại khó nói (theo mô tả của Blank) sẽ khiến cho liên minh thực sự giữa hai cường quốc Âu Á khó có thể thành hiện thực.

Theo Minh Tâm
Vietnamnet/Moscowtimes