1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tuyên bố đã phá hủy hầu hết vũ khí phương Tây ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Một năm qua, phương Tây cấp cho Ukraine khối viện trợ quân sự khổng lồ, nhưng hầu hết thiết bị quân sự này đều bị Nga phá hủy, cơ quan tình báo Nga cho biết.

Nga tuyên bố đã phá hủy hầu hết vũ khí phương Tây ở Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một pháo tự hành ở Donbass (Ảnh: Reuters).

Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) ngày 20/2 cho biết, kể từ tháng 12/2021, các nước thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine lượng lớn vũ khí hạng nặng, trong đó có 440 xe tăng, hơn 1500 xe chiến đấu bộ binh. Ngoài ra, Ukraine còn nhận được 1.170 hệ thống phòng không, 655 hệ thống pháo, 9.800 quả rocket.

"Hầu hết thiết bị quân sự của phương Tây cấp cho Ukraine đã bị lực lượng Nga phá hủy", SVR cho biết.

Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái bất chấp Moscow nhiều lần cảnh báo nghiền nát những lô khí tài này. Tháng trước, Mỹ, Anh, Đức và nhiều quốc gia châu Âu đồng loạt lần đầu cam kết chuyển cho Ukraine các xe tăng chiến đấu hiện đại như Leopard 2, Abrams, Challenger. Tuy chưa có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu F-16, nhưng Mỹ cho biết sẽ hoan nghênh các nước khác chuyển máy bay từ thời Liên Xô cho Kiev.

Moscow chỉ trích động thái này của phương Tây sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài và lan rộng, trong khi không thể giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trường.

Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ hai và tiếp tục chiều hướng leo thang. Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ khí tài quân sự để nhanh chóng chấm dứt chiến sự, giành lại lãnh thổ.

Trong khi Ukraine khẩn thiết đề nghị phương Tây cấp máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa, lãnh đạo các nước này cho rằng, Ukraine cần được đáp ứng đạn dược nhiều hơn nữa.

Theo ước tính của giới chuyên gia, Ukraine đang bắn khoảng 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, tương đương lượng đạn pháo một số quốc gia châu Âu đặt mua trong cả một năm.

"Tốc độ tiêu thụ đạn hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần năng suất hiện tại của chúng tôi. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi vào tình trạng căng thẳng", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cuối tuần qua cũng cảnh báo, cuộc chiến đấu của Ukraine sẽ kết thúc nếu không giải quyết được tình trạng thiếu đạn dược trong vòng vài tuần tới.

Ông kêu gọi các nước thành viên EU cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và tăng cường tốc độ vận chuyển đạn dược. Ông cho biết, các bộ trưởng quốc phòng EU dự kiến tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 8-9/3 tới để giải quyết vấn đề này.

Nga tuyên bố đã phá hủy hầu hết vũ khí phương Tây ở Ukraine - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine