1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga toan tính gì khi áp sát tàu chiến Mỹ ở Baltic?

(Dân trí) - Mặc dù không có bất cứ xung đột nào xảy ra khi các máy bay chiến đấu Su-24 của Nga liên tục áp sát tàu khu trục Mỹ hồi đầu tuần này ở biển Baltic, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đó là bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của Nga nhằm đưa ra thông điệp cho Mỹ và Đông Âu.

Video máy bay Su-24 của Nga áp sát tàu chiến Mỹ ở biển Baltic


Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bay sát tàu khu trục Mỹ ở Baltic hôm 11-12/4. (Ảnh: US Navy)

Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bay sát tàu khu trục Mỹ ở Baltic hôm 11-12/4. (Ảnh: US Navy)

Vụ việc 2 chiến đấu cơ Su-24 và trực thăng trinh sát của Nga liên tục áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đầu tuần này ở vùng biển Baltic đã khiến Moscow và Washington “lời qua tiếng lại”.

Mỹ cho rằng hành động áp sát có lúc ở cự ly chỉ 9m của các máy bay Nga là “khiêu khích” và “nguy hiểm”. Trong một bình luận được cho là khá gay gắt, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua 14/4 nói rằng: “Chúng tôi lên án hành động như vậy. Điều đó thật liều lĩnh, khiêu khích và nguy hiểm. Theo các quy tắc giao chiến, máy bay Nga đáng lẽ đã có thể bị bắn hạ”.

Đáp lại những chỉ trích của Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh: “Tất cả các chuyến bay của Không quân Nga hoàn toàn tuân thủ các luật lệ quốc tế về hoạt động an toàn ở không phận hay hải phận quốc tế. Thành thật mà nói, chúng tôi không hiểu tại sao phía Mỹ lại phản ứng gay gắt như thế. Tự do ở vùng biển mà tàu khu trục Mỹ hoạt động không hề bị ảnh hưởng bởi tự do ở không phận hoạt động của máy bay Nga”. Quan chức này cho biết thêm, việc triển khai các máy bay trên diễn ra do tàu chiến Mỹ xuất hiện quá gần một căn cứ hải quân của Nga.

Sự việc trên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Không ít câu hỏi đặt ra liên quan đến vụ chạm trán “nguy hiểm nhất nhiều năm qua” giữa tàu chiến Mỹ và máy bay chiến đấu của Nga như: Vì sao Mỹ không bắn hạ Su-24? Nga muốn gửi đi thông điệp gì sau hành động này?

“Putin muốn hạ gục NATO không cần một phát súng”


Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Irish Times)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Irish Times)

Tờ Washington Times dẫn lời ông Todd Wood, một cựu phi công Mỹ, cho rằng đây là thông điệp Nga muốn gửi cho Mỹ và đặc biệt là các nước Đông Âu, rằng Mỹ không thể bảo vệ được đồng minh của họ.

Cũng chung quan điểm này, Đại tá hải quân Mỹ Chuck Nash cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn qua sự việc này cũng như một số hoạt động khác để chứng minh Mỹ sẽ không chống cự Nga ở vùng biển Baltic hay để đảm bảo cho các đồng minh của họ ở đây.

“Putin đang tìm cách hạ gục NATO mà không cần đến một phát súng. Thông điệp của ông ấy cho NATO đã rõ. Thông điệp cho các nước vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania đã rất rõ. Đó là Mỹ sẽ không phản kháng lại, vậy điều gì khiến bạn nghĩ rằng họ sẽ đến để bảo vệ bạn nếu xung đột nổ ra?” ông Nash nói. Cựu quan chức này cũng nhấn mạnh thêm: “Thông điệp đó đã được truyền đi. Và tin tôi đi, ai phải nhận thông điệp này thì cũng đã nhận được”.

Theo ông Nash, ông Putin cho rằng Mỹ đã “nhún nhường” hơn kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhận nhiệm sở. Ông Obama cũng đã chứng minh rằng Putin đúng với việc không đưa ra “giới hạn đỏ” cho cuộc xung đột ở Syria, hay khoanh tay đứng nhìn Nga nhận sáp nhập Crimea và can dự vào cuộc chiến ở miền Đông Ukraine.

“Điều tôi quan tâm là sẽ có một vài sự vụ lớn nữa sẽ xảy ra trong 9 tháng tới (thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông Obama). Mục tiêu chiến lược của ông Putin là hạ gục NATO và xây dựng lại hình ảnh Nga hùng mạnh hơn nữa”, ông Nash nói.

Mỹ đã và nên làm gì?


Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Ngay sau vụ “chạm trán”, quân đội Mỹ và Nhà Trắng hôm 13/4 đã lên tiếng xác nhận và chỉ trích đây là hành động “khiêu khích” và “mô phỏng tấn công” của các máy bay chiến đấu Nga. Ngoại trưởng Mỹ bình luận: “Theo các quy tắc giao chiến, máy bay Nga đáng lẽ đã có thể bị bắn hạ”.

Tuy nhiên, thực tế, Mỹ đã không làm vậy - điều hoàn toàn trái ngược với những gì Mỹ làm trước đây. Vào thập niên 1980, Hải quân Mỹ đã bắn rơi một máy bay dân sự của Iran ở vùng Vịnh bởi cho rằng đây là một máy bay chiến đấu F-14 chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công mặc dù khi đó máy bay Iran ở xa tàu Mỹ hơn so với Su-24 của Nga.

Lý giải việc tàu USS Donald Cook đứng im cho chiến đấu cơ Nga “tấn công giả định”, Đại tá Hải quân Mỹ Rick Hoffman nói rằng: “Rõ ràng chúng tôi (Mỹ) không trong tình trạng chiến tranh với Nga. Nếu bạn nhận biết rõ máy bay và thấy rằng nó không mang theo vũ khí, cũng như không phát hiện sóng điện tử để có thể nghi ngờ máy bay có mang theo tên lửa, thì chẳng thể làm gì. Bạn không thể tiêu diệt một ai đó chỉ vì họ quấy rối bạn”.

Theo ông Nash cách duy nhất để Mỹ có thể kiểm soát được tình hình đó là triển khai thêm các tàu hải quân đến vùng biển Baltic, tăng cường các cuộc tập trận đa phương, song phương với các nước ở đây.

Minh Phương

Tổng hợp