1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sẽ triển khai tên lửa "không thể đánh chặn" ở Belarus

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hệ thống tên lửa Oreshnik của Nga có thể được triển khai tại Belarus vào nửa cuối năm 2025.

Nga sẽ triển khai tên lửa không thể đánh chặn ở Belarus - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham gia lễ ký kết sau cuộc họp Hội đồng Nhà nước tối cao của Nhà nước liên bang Nga - Belarus tại Minsk, Belarus ngày 6/12 (Ảnh: Reuters).

"Về khả năng triển khai những vũ khí đáng gờm như Oreshnik tại Belarus, vì hôm nay chúng ta đã ký một thỏa thuận về bảo đảm an ninh với việc sử dụng mọi lực lượng và phương tiện sẵn có, tôi cho rằng việc triển khai các hệ thống như Oreshnik tại Belarus là khả thi", Tổng thống Putin phát biểu sau cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên bang Nga - Belarus hôm 6/12.

Ông Putin cho biết kế hoạch triển khai tên lửa Oreshnik sẽ khả thi vào nửa cuối năm 2025, khi quá trình sản xuất hàng loạt hệ thống này tại Nga tăng lên và Oreshnik được đưa vào sử dụng trong lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

Tổng thống Putin cũng đề cập đến sự cần thiết của việc giải quyết một số vấn đề kỹ thuật trước khi triển khai hệ thống Oreshnik tại Belarus.

"Tất nhiên, có một số vấn đề kỹ thuật ở đây mà các chuyên gia cần giải quyết, cụ thể là xác định tầm bắn tối thiểu có tính đến các ưu tiên an ninh của Belarus. Cần có các chuyên gia để xem xét vấn đề này", ông Putin nói thêm.

Tổng thống Nga cho rằng việc triển khai hệ thống Oreshnik ở Belarus sẽ không đòi hỏi chi phí lớn.

"Tôi cho rằng có cơ hội để triển khai Oreshnik ở Belarus, xét đến thực tế là việc này chỉ yêu cầu chi phí tối thiểu. Belarus vẫn giữ lại một số cơ sở hạ tầng được thừa hưởng từ thời Liên Xô, vì vậy việc triển khai các hệ thống như vậy ở Belarus sẽ chỉ đòi hỏi chi phí tối thiểu để có cơ sở hạ tầng hoạt động", ông Putin giải thích.

Theo ông chủ Điện Kremlin, mặc dù "các hệ thống Oreshnik sẽ là một phần không thể thiếu của lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tuy nhiên, việc lựa chọn mục tiêu tiềm tàng trên lãnh thổ của đối thủ chắc chắn sẽ là quyền của giới lãnh đạo quân sự và chính trị Belarus". Tổng thống Putin khẳng định hai bên "sẽ thảo luận" về mọi vấn đề liên quan.

"Hiện tại, tôi chỉ có thể nói rằng các chuyên gia hiểu rõ điều đó: tầm bắn càng ngắn, sức mạnh tấn công của đầu đạn càng lớn. Chúng tôi sẽ thảo luận về các vấn đề kỹ thuật sau", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Vào tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả các vụ tấn công của Kiev bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào Nga.

Tổng thống Putin ngay sau đó cho biết đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn.

Ông nói thêm, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.

Hợp tác liên minh chưa từng có

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề nghị Nga triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik tại Belarus. Ông lưu ý rằng nếu Oreshnik được triển khai, chính quyền Belarus sẽ là bên xác định các mục tiêu tiềm tàng của hệ thống tên lửa này.

Tổng thống Lukashenko cho biết, ban đầu, Nga sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng hệ thống tên lửa này.

Nga và Belarus đã ký Hiệp ước Bảo đảm An ninh mới trong cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên bang hôm 6/12. Văn bản này "xác định các cam kết đồng minh chung nhằm đảm bảo phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, độc lập và trật tự hiến pháp của Nga và Belarus, toàn vẹn và sự bất khả xâm phạm của lãnh thổ hai nước, với sự tham gia của tất cả các lực lượng và phương tiện có sẵn".

"Chúng ta đang đạt đến một cấp độ liên minh chiến lược và phối hợp hành động chưa từng có trong lĩnh vực quân sự", Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh.

Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Năm ngoái, Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo thỏa thuận. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Belarus cũng đã thông qua học thuyết quân sự mới, lần đầu tiên cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm