1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, NATO chưa thể thu hẹp “hố sâu ngăn cách” trong hội đàm cấp cao

(Dân trí) - Đại sứ Nga và các quốc gia thành viên NATO đã có cuộc thảo luận “nghiêm túc và thẳng thắn”, dù chưa thể thu hẹp “những khác biệt lớn và dai dẳng” giữa hai bên, khi họ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra vào năm 2014.

Tổng thư ký NATO họp báo sau hội đàm cấp cao Nga-NATO


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Delfi)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Delfi)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thừa nhận như vậy trong cuộc họp báo sau hội cuộc hội đàm cấp đại sứ đầu tiên giữa Nga và NATO trong gần 2 năm qua, diễn ra ngày 20/4 tại Brussels, Bỉ.

Ông Stoltenberg cho hay cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO, kết thúc muộn hơn 90 phút so với kế hoạch ban đầu, là cơ hội cho một “cuộc thảo luận thẳng thắn và nghiêm túc” về tình hình Ukraine, các vấn đề liên quan tới hoạt động quân sự của NATO và Nga, tình hình an ninh tại và quanh Afghanistan.

“NATO và Nga có những khác biệt lớn và dai dẳng. Cuộc gặp hôm nay đã không thay đổi được điều đó”, ông Stoltenberg nói.

Không quyết định nào được thông báo như một kết quả của hội đàm. “Tôi hi vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau”, Tổng thư ký NATO nói, nhưng không công bố hay dự đoán thời điểm cụ thể.

Về phần mình, đại sứ Nga tại NATO Aleksandr Grushko, người đại diện cho nước ông trong cuộc gặp với những người đồng cấp từ 28 quốc gia thành viên của NATO, cho hay mối quan hệ đối tác cũ giữa Nga và NATO giờ “không còn nữa” vì liên minh quân sự “quyết định thực thi một lộ trình nhằm cản trở Nga”.

“Chúng tôi không có một buổi làm việc tích cực hôm nay, không có kế hoạch nào để cho phép chúng tôi quay trở lại nhằm cải thiện mối quan hệ vì lợi ích chung. NATO đã đưa ra một quyết định nhằm đưa mối quan hệ của hai bên từ đối tác sang răn đe”, ông Grushko nói.

Hội đồng Nga-NATO được thành lập vào năm 2002 như một diễn đàn tham vấn giữa hai đối thủ cũ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 và cuộc gặp cuối cùng của Hội đồng Nga-NATO diễn ra vào tháng 6/2014.

NATO cũng ngừng hợp tác quân sự với Nga do cuộc sáp nhập Crimea và điều mà NATO xem là sự ủng hộ của Moscow đối với phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine, dù hai bên vẫn mở các kênh liên lạc.

Quan hệ Nga-NATO tiếp tục trải qua các cuộc thử thách gần đây liên quan tới các cuộc chạm trán giữa tàu khu trục Mỹ và máy bay chiến đấu Nga ở biển Baltic.

Quân đội Mỹ đã cáo buộc các máy bay chiến đấu Su-24 của áp sát nguy hiểm tàu khu trục Donald Cook. Bộ Tư lệnh châu Âu của Quân đội Mỹ (EUCOM) nói máy bay Nga đã bay theo kiểu mô phỏng một cuộc tấn công và phớt lờ các hướng dẫn an toàn, trong khi Nga khẳng định chỉ bảo vệ biên giới quốc gia, nhấn mạnh rằng máy bay Su-24 đã rời xa tàu chiến Mỹ ngay sau khi nhận dạng con tàu.

NATO đang thực hiện các hoạt động lớn nhất nhằm tăng cường phòng thủ tập thể kể từ Chiến tranh Lạnh để đối phó với cái gọi là sự gây hấn của Nga. Trong khi đó, thư ký báo chí Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho NATO gây ra sự thiếu niềm tin giữa hai bên.

An Bình