1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria

Nga-Mỹ đều đã điều động quân chiếm đóng các sân bay của Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa quân sang Aleppo, khiến cục diện Syria trở nên khó lường.

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria - 1

 Nga-Mỹ đua nhau chiếm sân bay Syria

Hôm 21-1, hãng tin RT của Nga cho hay không quân Mỹ hiện đã đưa quân đến trấn thủ một sân bay cũ ở tỉnh Đông Bắc Syria là Hasakeh. Theo tin cho biết, Mỹ sẽ hiện đại hóa sân bay nằm trong khu vực do lực lượng vũ trang của người Kurd (YPG) kiểm soát để làm căn cứ không quân.

Theo đó, các chuyên gia Mỹ đang chuẩn bị xây đường băng và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của sân bay này, đủ để máy bay chiến đấu cất và hạ cánh. Việc xây dựng được cho là bắt đầu từ hồi tháng 10-2015 tại một sân bay bỏ hoang ở tỉnh al-Hasakeh, gần biên giới Iraq.

Nguồn tin tuyên bố: “Theo một thỏa thuận đạt được với YPG, Mỹ đã tiếp quản quyền kiểm soát căn cứ không quân Rimelan. Mục đích của thỏa thuận là nhằm yểm trợ của các hoạt động của cho SDF (cánh chính trị của người Kurd Syria) thông qua việc cung cấp vũ khí và một sân bay cho máy bay Mỹ.

Theo nguồn tin, quân đội Mỹ từ lâu đã nhắm đến sân bay thuộc căn cứ không quân cũ của quân đội Syria nằm ở khu vực phụ cận thành phố Rmerilan (Rimelan). Sau khi IS đánh tràn sang Syria, quân chính phủ đã rút khỏi đây và hiện do YPG kiểm soát.

Được biết, sân bay Rmeilan nằm gần khu vực nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn ở đông bắc Syria, trong đó có một mỏ lớn nhất trong vùng. Chính phủ Syria từng sử dụng sân bay này cho cả hoạt động quân sự và kinh tế - đại diện truyền thông của SDF là ông Taj Kordsh nói với kênh truyền hình Al Jazeera.

Chính quyền Tổng thống Assad tuyên bố không cho phép Mỹ lập căn cứ, cựu chuyên gia chống khủng bố và tình báo CIA Philip Giraldi cũng thừa nhận Washington đang thiết lập trái phép căn cứ không quân ở Syria - một nước có chủ quyền.

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria - 2

Sân bay Rmeilan Mỹ đang đồn trú và sân bay Qamishli do Nga nắm giữ nằm cách nhau chưa đầy 70km

Nếu sân bay trên hoạt động, Mỹ có thể tiếp tế cho người Kurd từ hướng Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Để hợp pháp hóa sân bay này, Mỹ có tuyên bố đây là căn cứ tạm trong trường hợp chiến đấu cơ không kích IS gặp sự cố.

Tuy nhiên, ông Philip Giraldi cũng cho rằng, việc Mỹ thiết lập căn cứ không quân cũng không thể thắng thế ở Syria khi mà vai trò của Nga đang lên cao. Đồng thời, nó có thể sẽ là mục tiêu tấn công của IS.

Trong một động thái theo chiều ngược lại, quân đội Nga cũng đã điều động hơn 100 quân trấn giữ một sân bay nằm ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cách sân bay do Mỹ kiểm soát khoảng 70km.

Tờ Hurriyet Daily News dẫn báo cáo của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), cho biết, một nhóm binh sĩ và kĩ sư quân sự Nga đã được điều động tới sân bay Qamishli, cũng thuộc tỉnh Hasakeh, đối diện với thành phố Nusaybin, thuộc tỉnh Mardin, ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ .

Các nhà hoạt động địa phương tiết lộ với SOHR rằng, mục đích của toán quân Nga tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay Qamishli, qua đó mở đường cho máy bay chiến đấu và máy bay chở hàng của Nga có thể hạ cánh tại đây.

Cùng lúc đó, Ủy ban Hợp tác Địa phương (LCC) tại Syria cũng đã xác nhận thông tin này và cho biết, khoảng 100 binh sĩ Nga, trong đó có khoảng 10 sĩ quan chỉ huy với cấp bậc quân hàm khác nhau, cùng một số trang bị, vũ khí đã được máy bay quân sự Syria chở tới sân bay Qamishli hôm 18-1 vừa qua.

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria - 3

Sân bay quốc tế Qamishli. (Ảnh: SANA)

Cụ thể, 100 binh sĩ Nga này được điều động tới căn cứ Trung đoàn 154, đóng quân ở phía nam Qamishli, được trang bị pháo binh, radar, và các vũ khí phòng không. Tại đây, toán quân này sẽ giữ nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho sân bay Qamishli trong quá trình tu sửa.

Các nguồn tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xác nhận thông tin này với Hurriyet, đồng thời cho biết radar Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện được máy bay Syria chở toán quân Nga tới Qamishli.

Hãng thông tấn AA của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, lính Nga được triển khai ở Qamishli nằm trong các đơn vị của quân đội Syria, chứ không phải là Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (PYD - cánh quân sự là YPG).

Các nguồn tin này cũng cho biết, đợt điều động này không phải lần đầu tiên, vì họ cho biết trước đây lính Nga đã xuất hiện ở các khu vực tại Qamishli do chính phủ Bashar al-Assad kiểm soát. Tuy nhiên, họ chưa xác định được chính xác tổng số binh sĩ Nga đóng tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ tung quân sang Aleppo, cương quyết không chấp nhận người Kurd

Khoảng 1.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến quân sang lãnh thổ Syria ở khu vực Jarablus tỉnh Aleppo - đối diện với thị trấn Suruc của nước này - vào tối 19-1. Đồng thời, Ankara cũng đã tập trung nhiều đơn vị quân đội dọc theo tuyến biên giới giữa 2 nước.

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào Syria với danh nghĩa để giải phóng Aleppo, một thành trì của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Lực lượng này đã vượt qua biên giới, mang theo xe tăng-thiết giáp, vũ khí hạng nặng và thiết bị dò mìn để rà phá các bãi mìn do IS rải.

Được biết, hành động này của Ankara diễn ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Barak Obama vào ngày 19-1, để bàn về việc phối hợp tiến hành cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Thông báo của Nhà Trắng cho hay, nội dung cuộc điện đàm có nhắc tới việc cam kết tăng cường hợp tác chống IS. Theo dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23-1. Trong chuyến thăm, ông Biden cũng có thể sẽ thảo luận về vấn đề chống khủng bố.

Một số hãng thông tấn đã dẫn lời một số chuyên gia quân sự và chính trị cho rằng, thực chất hoạt động đưa quân sang Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đẩy lùi các đơn vị YPG ra xa hơn biên giới nước này, về phía Syria.

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria - 4

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại biên giới với Syria

Theo hãng thông tấn Hawar, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không tấn công các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại khu vực này, ngược lại, các tay súng IS cũng không phản ứng gì trước sự hiện diện của toán binh lính do Ankara điều sang Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đã bày tỏ sự quan ngại về sự hiện diện của YPG dọc biên giới giữa hai nước và đã lên tiếng cảnh báo nhóm này rằng bất kỳ sự áp sát nào đến phía tây sông Euphrates có thể sẽ bị đáp trả bằng hành động quân sự.

Việc Ankara đưa quân sang Syria diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định, sự góp mặt của đại diện Lực lượng chính trị và quân sự của người Kurd tại Syria (PYD/YPG) vào cái gọi là “phe đối lập Syria” là mối đe dọa trực tiếp đối với Ankara.

Ông Davutoglu nói rằng, nhóm dân quân YPG - lực lượng được cả thế giới và người Mỹ biết đến như nhóm chiến binh chống lại quân khủng bố IS hiệu quả nhất, đã liên kết quá chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm chiến binh bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.

Vì vậy, theo ông Ahmet Davutoglu, YPG không được phép tham gia vào cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền Damascus tại Vienna, vì nếu tổ chức này trở thành là đại diện “phe đối lập ôn hòa” ở Syria, họ sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận và bảo vệ.

Có chuyên gia cho rằng, quan điểm cứng rắn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa trở thành trở ngại cho cuộc đàm phán hòa bình cho Syria, dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 25-1 tới, tại Geneva.

Nga-Mỹ-Thổ cùng tung quân, âm mưu cực lớn ở Syria - 5

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Syria vì chống IS hay đánh người Kurd?

Nguyên nhân là bởi Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng, tổ chức này sẽ không đưa ra lời mời triệu tập các nhóm nổi dậy cho đến khi các nước bảo trợ chính gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đồng thuận về danh sách các nhóm “đối lập ôn hòa” được tham gia đàm phán.

Tuy nhiên, rất có thể mục đích đưa quân sang Syria của Thổ Nhĩ Kỳ không nhằm vào IS, cũng không chĩa mũi nhọn vào người Kurd mà nhằm vào Nga.

Bởi lẽ, người Kurd ở Iraq (Peshmerga) là lực lượng chủ chốt chống IS, còn người Kurd ở Syria cũng là lực lượng mạnh nhất, có tổ chức tốt nhất trong lực lượng chống IS, đồng thời là đối thủ tiềm tàng cho chính quyền Assad. Liệu Ankara có dám trái lệnh Mỹ để tiêu diệt 2 lực lượng này không?

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ, còn PYD là công cụ của Mỹ, Washington hoàn toàn có thể điều khiển được các hành động của lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại.

Hay nói cách khác, Nhà Trắng đủ uy quyền và khả năng bắt Ankara và người Kurd phải dàn xếp các mối quan hệ lợi ích giữa 2 bên, phù hợp với mục tiêu của mình. Đây là một điểm khởi nguồn cho một âm mưu rất lớn ở Trung Đông, trong tương lai sẽ di họa cho cả Syria và Iraq.

Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

Theo Thiên Nam

Đất Việt